CHUYỂN TỪ CŨI SANG GIƯỜNG
Ở đâu đó trong khoảng từ 18 tháng tới 3 tuổi, con sẽ có tín hiệu sẵn sàng để chuyển từ chiếc ổ nhỏ xinh sang chiếc giường “như người lớn”. Theo một thống kê của Mỹ cho thấy, khoảng 30% các bé chuyển sang giường từ khoảng 18 tháng-2 tuổi, phần còn lại thì muộn hơn, ở mốc 2 tuổi rưỡi và 3 tuổi.
Vậy tín hiệu sẵn sàng là gì?
Không có một câu trả lời nào chính xác cho các mẹ cả, tất cả là đều dựa vào trực quan và cảm nhận của cá nhân từng mẹ, điều kiện sống và khả năng của từng em bé.
Một em bé trên 18 tháng, khi đứng trên cũi thì thành cũi chỉ đến ngực. Và em rất hay trèo ra trèo vào cũi, thì có thể em đã cần tự do hơn, bằng việc thay thế cũi bằng giường. Một em bé cao trên 93cm cũng được coi là sẵn sàng về mặt thể chất để chuyển từ cũi sang giường đó.
Nếu một em bé khá “trưởng thành”, tức là được coi là “lành” hoặc nói một cách khác là con hiểu được lời chỉ dẫn và qui tắc thì việc chuyển giường có thể dễ dàng hơn. Cụ thể là khi mẹ nói chuyện, “nhờ lấy đồ” mà con có thể làm theo được chỉ dẫn và lấy/cất được đồ, bật tắt công tắc theo yêu cầu, đưa đồ đúng người…. và nhớ những nơi được và những nơi hạn chế tới. Đó là các biểu hiện bé bắt đầu học được tự chủ, và là một tiêu chí giúp mẹ quyết định con có thể chuyển giường hay chưa.
Con có mong muốn chuyển sang giường, có thể bằng lời nói hoặc cử chỉ. Ví dụ như Chín nhà mình chuyển giường rất sớm, đơn giản là khi con vào cũi thì con uốn cong, oằn người không chịu vào nhưng chỉ cần đặt con ở cái đệm ngay cạnh đó và đi ra, dù không có ai bên cạnh, con vẫn tự ngủ được. Đó là sự lựa chọn tự nhiên của Chín: con cần ngủ ở nơi này! (điều này xảy ra tới hơn 1 tuần trước khi cả nhà quyết định dọn toàn bộ phòng để Chín chuyển giường và bắt đầu đặt đóng giường mới.
Phòng của con phải tuyệt đối an toàn. Khi chuyển từ cũi sang giường, bạn cho con sự tự do ra khỏi giường khi con muốn, vì thế ổ điển cần phải được bịt lại, mọi loại dây cần được để lên cao, các máy móc phải ngoài tầm tay với và AN TOÀN (để các bé không thể trèo/đu và làm đổ). Phòng không có những vật dụng nhỏ (cúc, ốc, hạt) hoặc tuốc-nơ-vít có thể gây hóc nghẹn hay những sự cố đáng tiếc. Đặc biệt, trong phòng bé không có phích nước sôi hay máy có thể ra nước nóng. Cửa vào nhà vệ sinh (nếu có) cũng cần được đóng và có dụng cụ khóa tay nắm cửa…..
Đệm của con hết date. Thông thường một chiếc đệm cho bé sơ sinh sẽ khá cứng và sau một thời gian sử dụng, khi mà cân nặng của bé đã tốt hơn thì chiếc đệm này trở nên không còn đáp ứng được cho nhu cầu của con nữa. Dấu hiệu thường thấy là con nhất định không chịu vào cũi nhưng khi ngủ đệm dày hơn thì ngáy tới tận sáng hôm sau.
Các tín hiệu chuyển cũi sang giường rất nhạy cảm và có thể thành công vài hôm trồi sụt, vì thế đừng vội thanh lí cũi, vì có thể con lại quay lại với cũi đó!
Chuyển sang giường quá sớm có thể làm bé bị gián đoạn giấc ngủ, ngủ kém và một số các rắc rối khác trong chuyển giấc (đặc biệt là khi chuyển sang không gian giường quá rộng). Mi nhà mình cũng phải chuyển cũi sàng giường tới 2 lần mới thành công.
Hãy trì hoãn việc chuyển cũi sang giường khi đang có sự thay đổi quá lớn trong gia đình: nhà có tang, mất thú cưng hay mẹ đi làm trở lại. Tuy nhiên việc dạy bé đi toilet và việc đi trẻ có thể làm đồng thời với chuyển cũi sang giường, vì các hoạt động này có sự bổ trợ lẫn nhau (nếu ở lớp, các bé cũng ngủ floor-bed).
Mình đã làm như thế nào?
Khi Chín có tín hiệu cần chuyển giường, mình đặt gấp và chuyển 1 chiếc giường vào phòng. Những ngày đầu tiên, con chơi nhiều hơn trong phòng nơi có chiếc giường mới. Bà và mẹ được dặn vào đây nằm trước thật nhiều, để có mùi thơm quyến rũ hihi…
Giường mình chọn là floor-bed, tức là giường sát sàn. Giường này phù hợp với các bé từ 2-6 tuổi nhưng có thể sử dụng được đến lớn hơn nếu con thích. Giường mình đóng full thành 4 xung quanh và có cửa nhỏ để các bé đi ra đi vào. Giường này đóng chỉ khoảng hơn 4 củ một tẹo, và có thể dùng tầm 4-6 năm, sau đó pass hay cho thì cũng đã dùng tĩ tã khấu hao rồi mà
Đồng thời với việc có giường mới là hoạt động trình tự ngủ đêm thay đổi một chút, thay vì đọc sách và winddown như trước, bây giờ sau khi vào phòng thì mẹ sẽ đọc cho con 1 cuốn sách cực ngắn, sau đó tắt đèn và Dừa sẽ kể chuyện cho con bằng sách ảnh/đèn chiều khi CẢ BA MẸ CON CÙNG NẰM TRÊN CHIẾC GIƯỜNG MỚI.
Nếu có thể, sau hoạt động chiếu bóng này, mẹ nằm lại bên con, nghe một bản nhạc hoặc trò chuyện tỉ tê và hỏi ý muốn của con về nơi ngủ cho tối nay. Thông thường các bé sẽ chọn giường mới ở buổi thứ 2, một số bé nhút nhát hơn thì mất 4 tối con sẽ chuyển hoàn toàn sang nằm giường mới.
Hoạt động chiếu bóng mình đã đăng tại đây:
https://www.facebook.com/ha.lyonnet/videos/1236567910248890
Một điểm không thể không nhắc đến: SỰ THOẢI MÁI.
Một chiếc giường của em bé sẽ ấm cúng nếu con có nhiều gấu bông con thích xung quanh. Một hoạt động mà mình khuyên Dừa làm là cho các con chọn gấu/doudou từ sọt đặt vào quanh giường và làm ổ cho các bạn.
CHIẾC ĐỆM: Đệm là thứ duy nhất con cảm nhận ở cái giường này, và cũng là thứ đắt nhất mà mình đầu tư. Bạn có thể ăn uống tuềnh toàng hay ăn mặc giản dị, nhưng khi nhắm mắt tìm đến giấc ngủ để phục hồi, cái đối xử với cơ thể bạn nhiều nhất chính là cái đệm bạn đặt lưng nằm vào đó. Cũng giống như đồ lót, đệm cũng là những người bạn âm thầm giúp ta sống tốt và sống khỏe mỗi ngày, và chính là chất lượng cuộc sống mà ta cần đầu tư. Với Chín Mười, mình bắt con Dừa mua đệm cao su non 15cm :)) đúng tiêu chuẩn ngon lành nhất cho cái lưng và giấc ngủ con yêu.
Chín Mười không hề phụ lòng mình, Chín Mười mê đệm mới ngay từ cái đặt lưng đầu tiên!
- Mình dặn Dừa không được vứt cũi đi vội, để chờ hết giai đoạn phản kháng, nếu mọi chuyện êm mới pass cũi. Trộm vía đã 2 tuần, các cháu chỉ ngủ ngon hơn chứ chưa phá đêm nào
- Mình dặn Dừa, làm cho Chín trước vì tín hiệu sẵn sàng của Chín là rất rõ, Mười vẫn đang chịu cũi, hãy để Mười nằm cũi. Vì thế mà có 2 chiếc giường đặt song song trong 1 khoảng rất hẹp trong phòng là như vậy, vì trong phòng vẫn còn cả mấy cái cũi nữa cơ. Khi chuyển hoàn toàn, thì 2 giường của 2 con sẽ cách nhau 1 cái thảm để chơi đấy!
- Xung quanh lối ra, mình cũng dặn Dừa đặt đệm và nhiều gối, để phòng các cháu nhảy dù.
- Camera là không thể thiếu.
- Sọt đồ chơi. Trước đây khi con ngủ cũi thì mẹ có thể xuề xòa để đồ chơi quanh phòng và thi thoảng lại hét lên khi dẫm phải ô tô của con, nhưng vì khi chuyển cũi sang giường, con có thể đi lại và ngã, nên đồ chơi cần được thu gọn vào các sọt và sách cần được cất lên giá sách trước giờ ngủ đêm.
Kết quả là gì: sau 2 tuần thì CẢ CHÍN VÀ MƯỜI đều đã chuyển giường thành công, tự ngủ giữ vững, ngủ ngon từ 7h tối tới 6h40 sáng dậy chơi với nhau líu lo và chờ bố mẹ vào đón đi học.
Giờ chỉ chờ khủng hoảng lên 2 nó ập đến, để còn thực hiện kỉ luật phòng ngủ nữa là xong thôi ấy mà hahahahaah
Bữa sau mình sẽ viết về hành trình các con đi học nhé, hẹn các mẹ bài sau. Còn bây giờ các mẹ bỏ túi quy tắc phòng ngủ cho bé lớn, mẹ nhé!
-0 Bình luận-