CÁC MẪU BIẾN THỂ ĐỂ BỎ NAP3 VÀ LÊN LỊCH SINH HOẠT 2 NAPs/NGÀY
Vừa khi con mới ổn định ở lịch EASY4 thì khủng hoảng ngủ 4 tháng lại ập tới, và thế là hành trình lên lịch sinh hoạt biến thể lại ngấp nghé để khởi đầu.
Đúng rồi! Ở đâu đó trong khoảng 16 tuần tuổi từ ngày dự sinh, kể cả các bé đã biết tự ngủ tốt và sinh hoạt nhuần nhuyễn với một lịch sinh hoạt khá dễ chịu, bỗng dưng mọi chuyện lại đổi thay! Lúc này, cha mẹ sẽ thấy bé có một hoặc nhiều biểu hiện sau đây:
- con bỗng ngủ ngày ngắn lại, nhiều bé catnap
- con khó vào giấc ngủ ngày, đặc biệt là giấc thứ 3. Nhiều bé khó vào giấc ngủ thứ 2 của ngày.
- khó vào giấc đêm: con sinh hoạt ban ngày tương đối ổn nhưng đặt vào giấc ngủ đêm thì con trằn trọc, hoặc chỉ ngủ được 30′ dậy và không tài nào vào giấc được, kể cả khi đã được clusterfeed hay hỗ trợ ngủ lại.
- đang từ việc ngủ xuyên đêm, con bỗng dậy đêm nhiều lần, có bé ê a chơi hàng tiếng, có bé khóc và không chuyển giấc để tiếp tục hành trình ngủ đêm.
Nguyên nhân:
Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng rất khó thương – dễ ghét này bắt nguồn từ sự thay đổi trong bản chất giấc ngủ của bé. Sự trưởng thành của bé được đánh dấu bằng chu kì ngủ đêm dài ra: từ chỗ mỗi chu kì chỉ kéo dài 45′, giờ đây các chu kì ngủ đêm của bé có thể dài 90-120′. Do sự thay đổi bản chất giấc ngủ này nên một số bé rất khó vào giấc đêm dài, hoặc bị lẫn lộn giữa ngủ ngày và ngủ đêm (chu kì 45′ vs. chu kì 90-120′)
Tuy nhiên nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự thay đổi trong thói quen ngủ của bé lại bắt nguồn từ chính sự trưởng thành của con, cụ thể là sự phát triển của hệ thần kinh và khả năng/nhu cầu cần áp lực ngủ lớn hơn để có thể ngủ ngon và ngủ tốt.
Việc xây dựng các lịch sinh hoạt biến thể trên thực tế là sự thử nghiệm của cha mẹ với các mức áp lực ngủ khác nhau của bé, để tìm thấy điểm tối ưu cho bé trong từng thời kì.
ÁP LỰC NGỦ: nói nôm na là thời gian thức. Nên nhớ rằng: hoạt động của 12h trong ngày (gồm cả ăn – ngủ – thức – hoạt động) sẽ ảnh hưởng trức tiếp tới khoảng thời gian 12h tiếp sau đó. Xây dựng lịch biến thể trên thực tế là việc chúng ta đang cùng nhau giải một bài toán cộng trừ tưởng chừng cực đơn giản về thời gian thức – ngủ, nhưng thực tế lại là một trải nghiệm cực kì khoai khẩm ở chính giai đoạn này đây.
Lưu ý, không có 2 em bé nào cùng lên lịch biến thể giống y hệt nhau, và ở giai đoạn này mẹ cũng cần thành thạo và linh hoạt trong thiết kế lịch sinh hoạt để đảm bảo cân bằng giữa thức và ngủ (mối quan hệ giữa tích lũy và xả adenosine). Mục tiêu lớn nhất đó là MỘT GIẤC NGỦ ĐÊM TỐT VÀ LIỀN MẠCH.
Và hãy nhớ một điều quan trọng nhất: KHÔNG SAI – KHÔNG HỎNG – KHÔNG PHẢI SỬA. Cho dù độ tuổi của bé có thể đã cần chuyển giao lên lịch mới, nhưng con đang sinh hoạt nhịp nhàng theo lịch cũ với một giấc đêm liền mạch và chất lượng. Điều này có nghĩa là lịch sinh hoạt vẫn đang lí tưởng cho con, cha mẹ không cần phải nhấp nhổm chuyển lịch sớm làm gì cho mệt, mẹ nhé!
Đọc bài viết liên quan: đêm gián đoạn.
CÁC LỊCH BIẾN THỂ.
Như các bạn đã biết, lịch easy4 khá là đơn giản, bé cứ thức 2h sẽ được đặt ngủ. Tổng thời gian thức trong ngày của bé là 8h chia là 4 khoảng thời gian, kéo dài 2h. Bé ngủ ngày 3 giấc.
Trong giai đoạn từ 16-18 tuần từ dự sinh, bé khó có thể thức quá lâu và cũng chưa có khả năng vào lịch 2 giấc ngày, vì thế mẹ có thể giữ nguyên giờ ngủ ban ngày nhưng tăng nhẹ tổng thời gian thức lên 8h30. Nếu bé vẫn dậy đêm hay khó vào giấc đêm, mẹ cân nhắc giảm thời gian ngủ nap2 chỉ còn 90′, mẹ nhé.
(Lưu ý, nhiều bé cho tín hiệu vào lịch này muộn hơn, khoảng 18-19 tuần)
LỊCH E4+ với wt cuối dài 2h30:
Tiếp đó, từ 19 tuần trở ra, nhiều bé gặp khó khăn trong việc ngủ giấc ngắn thứ 3, hoặc dậy đêm chơi nhiều, giấc đêm ngắt quãng liên tục. Lúc này có thể con có thể cần thay đổi trong áp lực ngủ.
Cách thông thường mà tôi khuyên các mẹ đó là giảm nhẹ TỔNG thời gian thức còn 8h nhưng cũng giảm số giấc ngủ ngày. Cách này để áp lực ngủ tăng lên nhẹ và từ từ, bé sẽ bớt shock hơn.
MỘT LƯU Ý RẤT QUAN TRỌNG đó là mẹ chớ vội vàng đánh giá lịch sinh hoạt chỉ qua 1 vài ngày. Một em bé cần ít nhất 3 ngày để nhận ra thay đổi và 7 ngày để có thể biết mình có đáp ưng với lịch hay không. Vì thế, khi áp dụng bất cứ một lịch nào, mẹ cần hết sức bình tĩnh và tinh tế quan sát con, mẹ nha!
Từ 20-25 tuần, mẹ tham khảo một số các lịch 2 GIẤC NGÀY, TỔNG WT 8H sau đây.
Mẹ thân mến, lúc này hành trình lên một lịch sinh hoạt ổn định của mẹ và bé đã đi được một nửa chặng đường rồi. Từ 26 tuần dự sinh, nhiều bé đã sẵn sàng xoay xở được một áp lực ngủ tương đối, ứng với TỔNG THỜI GIAN THỨC 8H30 VÀ NGỦ 2 GIẤC NGÀY. Tuy lịch 2-3-3.5 là lịch lí tưởng nhất, nhưng mỗi bé có thể đáp ứng với sự xê dịch của thời gian thức hơi khác nhau, mẹ hãy áp dụng linh hoạt mẹ nhé!
Và đích đến cuối cùng, đó chính là ở mốc 30 tuần dự sinh, con sẽ sinh hoạt nhịp nhàng theo lịch 234 hoặc 333. Lịch này sẽ theo con cho tới tận khi bé 11 tháng tuổi. Sau đó bé sẽ dần dịch chuyển sang lịch 1 giấc ngày khi con có tín sẵn sàng, mẹ nha.
Hy vọng rằng, mẹ sẽ ghi chép những kinh nghiệm giảm bỏ giấc ngày và kéo wt của giai đoạn này một cách kĩ lưỡng, để đến khi bé chuyển lịch 1 giấc thì cả mẹ và con đều phối kết hợp nhịp nhàng và không hề nao núng nhé.
Bí quyết về lịch 1 giấc ngày chính là giảm thời gian ngủ nap1 còn 30′ rồi sau đó bỏ giấc 1 đi. Lúc đó con chỉ có 1 giấc ngày vào buổi trưa, kéo dài 90-120′.
Thời gian ngủ ngày – hoạt động ban ngày:
Nhiều mẹ tuy đã áp dụng tăng thời gian thức nhưng chất lượng ngủ đêm vẫn chưa được cải thiện. Lúc này mẹ cần xem xét tới việc giảm nhẹ thời gian ngủ ngày, giúp bé tăng thêm chút áp lực ngủ cuối ngày, giúp con ngủ qua đêm.
Khi mà con đã thức ở thời gian thức tối đa và thời gian ngủ ngày ở mức tối thiểu cho ngày rồi mà giấc đêm vẫn không cải thiện, thì mẹ cần cân nhắc đến chất lượng và cường độ hoạt động thể chất của bé trong ngày. Nếu con hay được bế, ngồi xe đẩy đi chơi thăm thú mà ít có hoạt động thể chất – trí tuệ tự thân, có thể mẹ cần cân nhắc để đặt con xuống, cho con cơ hội hoạt động tăng cường kĩ năng dẻo dai mà cũng góp phần cải thiện giấc ngủ, mẹ nhé!
Kéo thời gian thức và ngủ gật….
CÁU VÀ GẮT NGỦ. Quãng thời gian thay đổi lịch sinh hoạt chính là lúc chúng ta điểu chỉnh các ngưỡng “chịu đựng” của hệ thần kinh với mức nồng độ adenosine cao hơn, áp lực ngủ mạnh hơn. Đương nhiên con sẽ cáu gắt một chút khi qua ngưỡng thường ngày con được ngủ, đặc biệt là khoảng thời gian đáng lẽ con cần ngủ nap3 (giấc ngủ đang cần triệt tiêu). Việc con cáu gắt và mệt trong những ngày đầu là hiện tượng phổ biến và là hoàn toàn bình thường. Mẹ cần cân nhắc giữa lợi ích của giấc ngủ đêm dài với việc cha mẹ phải nỗ lực hơn một chút để thức cùng con cuối mỗi waketime.
PHÂN BỔ HOẠT ĐỘNG TRONG WAKETIME. Tôi thường khuyên các cha mẹ cho con chơi tự lập ở các khoảng đầu waketime sau khi con đã được ăn no, lúc đó cha mẹ sẽ có thêm năng lượng để cùng con vượt giai đoạn khó ở lúc cuối waketime mẹ nhé. Hơn nữa, chơi tự lập bé bớt căng thẳng thần kinh hơn chơi với một người có level nhận thức cao hơn mình, do đó cải thiện được khả năng thức của chính bé.
NGỦ GẬT. Với các bé khó có thể thức được khoảng thời gian dài cuối ngày và có hiện tượng sập nguồn trước khi vào giấc đêm, mẹ có thể địu hoặc cho bé ngồi xe đẩy đi dạo để con ngủ gật khoảng 10-15 phút. Các giấc ngủ dưới 20′ thực tế không có tác dụng nghỉ ngơi hồi sức nhưng nó giải phóng tức thì adenosine dư thừa quá ngưỡng chịu đựng, giúp con dịu lại và có thể thức hết được khoảng waketime cuối, trước khi vào giấc đêm.
NHỮNG BỮA ĂN
Một trong những thắc mắc của cha mẹ ở giai đoạn này là khoảng cách giữa thời điểm con dậy sau nap2 và trước ngủ đêm quá ngắn, mẹ không thể thu xếp được 2 bữa ăn của con vào đây, hoặc con không đói trước khi vào giấc đêm.
Mẹ thân mến, một em bé thường mất khoảng 1-2 tuần để bắt nhịp với lịch sinh hoạt mới đấy mẹ ạ. Vì thế trong giai đoạn này tôi thường khuyên các mẹ dùng clusterfeed, đặc biệt với các em bé khó vào giấc đêm (Con ngủ đêm 30′, dậy khóc. Mẹ có thể cho con ăn thêm 1 lần nữa, vỗ ợ và đặt bé ngủ). Khi bé bắt nhịp tốt, nối giấc đêm giỏi thì con sẽ tự động bỏ clusterfeed và ăn nhiều hơn về tối, dù 2 giấc chiều và tối khá gần nhau. Mẹ yên tâm nha.
SỐ 90′ KÌ DIỆU.
Trong trường hợp cực kì xấu là bé ko thể vào lại được giấc ngủ, mẹ quan sát mốc 45′ và đặc biệt là mốc 90′ sau khi con tỉnh giấc. Đây là một CỬA SỔ NGỦ (SLEEP WINDOW) tự nhiên. Nếu mẹ làm thủ tục ngủ sẵn sàng và đặt con vào đúng sleep window này, con sẽ dễ dàng ngủ lại đó!
Chúc các mẹ sớm tìm thấy lối thoát cho hành trình biến thể siêu thú vị này ❤
-0 Bình luận-