Doudou, gấu bông, chăn yêu thương, Chũn choàng vai… những cứu cánh thầm lặng
Con gấu bông có ý nghĩa với con nhiều hơn bạn tưởng đấy!
Khái niệm doudou, gấu bông, hay “chăn thân thương” còn khá mới ở Việt Nam, tuy nhiên đây là một vật vô cùng phổ biến với trẻ em phương Tây và cũng là để tài của rất nhiều nghiên cứu về tâm lý xã hội học từ những năm 1953 lận.
Cho đến nay, theo một thống kê sơ bộ về Phát triển Hành vi thì có đến 70% trẻ em phương Tây có sự gắn kết với một “đồ vật chuyển giao” – transitional objects: gộp chung của gấu bông, doudou, chăn thân thương. Trái với suy nghĩ chung của mọi người, dưới mắt của các nhà tâm lí và giáo dục học thì mối quan hệ gắn bó với vật chuyển giao này KHÔNG PHẢI LÀ DẤU HIỆU CỦA SỰ YẾU ĐUỐI VÀ NHÚT NHÁT. Mà ngược lại, nó đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần, sự tự tin trong quá trình phát triển cảm xúc và kĩ năng tinh thần của trẻ.
Một điểm cũng cần nhấn mạnh rằng: thời điểm đỉnh cao đánh dấu sự gắn kết chặt chẽ của một em bé với đồ vật mềm mại này là khi con được 3-4 tuổi, giai đoạn mạnh mẽ nhất của khủng hoảng xa cách và xây dựng cơ chế tự điều chỉnh với áp lực môi trường (coping mechanism) ở trẻ. Có thể nói, ở giai đoạn này, con cần người bạn lặng thầm này nhất. Sự gắn kết với thú cưng bằng bông/vải này có thể vẫn còn rất khăng khít cho tới khi con 5-6 tuổi, thậm chí có những người lớn vẫn giữ lại những kỉ vật thơ ấu thân thương này như một cách để giải tỏa áp lực cuộc sống và các mối quan hệ phức tạp từ môi trường hàng ngày.
Vai trò to lớn của đồ vật chuyển giao tới sức khỏe tinh thần của trẻ em (và cả người lớn).
Theo Học viên Phân tích Tâm lý học Đại học New York thì vật chuyển giao (transitional objects) có 3 “nhiệm vụ” chính và có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với trẻ: (1) Một giai đoạn phát triển của trẻ, (2) là cách con xử lí khủng hoảng sợ xa cách và (3) là một không gian trung lâp giúp con thỏa sức tưởng tượng về cả ý tưởng và ngôn ngữ.
Trên thực tế là rất nhiều các nhà trẻ và thậm chí trường mẫu giáo đều khuyến khích con mang vật chuyển giao, doudou, chăn yêu thương đi học để giúp con dễ dàng chuyển giao và hòa nhập với môi trường mới, đặc biệt là ở các bé mới chuyển trường hay mới đi học. Nhiều bệnh viện hay phòng khám cũng sử dụng gấu bông như một vật dịu nhẹ trấn an bé, hướng dẫn con chăm sóc bản thân và giảm những cú sốc, sang chấn hay trauma (nỗi sợ) về bệnh tật. Chính vì thế chúng ra sẽ thường thấy người lớn thường tặng gấu bông mỗi khi đi khăm bé ốm (thậm chí tặng cả người yêu).
Vai trò của doudou, chăn yêu thương hay gấu bông – những vật chuyển giao đã được đề cập đến trong một nghiên cứu đã được công nhận rộng rãi từ năm 1953 của nhà bác sỹ nhi khoa – nhà tâm lý học Donald Winnicott là một vật gợi nhớ cho trẻ về yêu thương và an toàn.
Hóa ra, những thứ này không chỉ là mấy đồ chơi nhố nhăng đâu các mẹ ạ, mà nó chính là những thứ nhỏ nhoi đầu tiên giúp con tăng SỰ TỰ TIN đấy! Nhiều nhà giáo dục học khẳng định các em bé bớt đi sự nhút nhát và có khả năng tập trung tốt hơn khi nhập học, khi được đồng hành cùng vật chuyển giao. Thậm chí “các em bé có gắn kết với vật chuyển giao thường sẽ có mối quan hệ khăng khít hơn với gia đình và cũng vui vẻ hạnh phúc hơn” – cũng theo Winnicott.
Chuyên gia về trẻ em nổi tiếng người Úc, Giáo sư Frank Oberklaid thể hiện sự đồng tình với nghiên cứu này, cho rằng sự gắn kết của em bé với doudou thể hiện một nhu cầu sâu rộng hơn về mặt phát triển cảm xúc. Theo Giáo sư, vật chuyển giao chính là khả năng đoán trước và chuẩn bị về mặt cảm xúc và tâm lý, giúp con sẵn sàng cho sự rời xa khỏi cha mẹ để con đến với giấc ngủ, và giúp con tạo dựng nên sự tự tin, khả năng có thể tự kiểm soát được bản thân về mặt cảm xúc khi con chỉ có một mình.
TÚM LẠI, KHOA HỌC NÓI GÌ VỀ MẤY CON GẤU BÔNG?
Theo các nhà tâm lí thì vật chuyển giao là:
– Một sự động viên thầm lặng cho bé
– Giúp bé an tâm, do đó dễ ngủ và ngủ lâu hơn
– Giúp con có thể dễ dàng tạo mối liên hệ với môi trường bên ngoài, môi trường mới hoặc những nơi có thể cha mẹ không có sự hiện diện
– Giúp con điều chỉnh những lo lắng, sợ hãi và lo sợ xa cách. Do đó giúp con điều chỉnh cảm xúc tốt.
– Giúp con tự lập và tự tin.
– Nuôi dưỡng cảm giác an toàn, tính “thủy chung”, trung thành ở trẻ
– Giúp con chuyển giao và điều chỉnh ở các điều kiện sống mới: qua các cuộc khủng khoảng phát triển, sự mất mát của người thân trong gia đình, li dị của bố mẹ, sự hiện diện của thành viên mới (có em). Đặc biệt gấu bông, vật chuyển giao còn là công cụ hiệu quả trong điều trị giúp cả người lớn và trẻ em vượt qua những sang chấn, cú ngoặt của cuộc sống, vượt sợ hãi trong bạo hành, tai nạn hay những sự kiện gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề khác. Chúng ta thường thấy những người có vấn đề về tâm lý sử dụng gấu bông lâu hơn và gán cho nó tên xấu, mà không nghĩ ngược lại rằng chính vật này đang đồng hành và hỗ trợ giải tỏa những áp lực cho các cá nhân này, để học không tìm đến những lối thoát tiêu cực hơn. Gấu bông ở đây là một trong những yếu tố để hỗ trợ sức khỏe tinh thần!
– Tăng cường sức khỏe tinh thần
– Giúp con tăng trí tưởng tượng và khả năng ngôn ngữ, dù chú gấu bông này rất thầm lặng, nhưng đó là người bạn ít nói là sân khấu diễn tập cho những cuộc trò chuyện không phán xét mà con sẽ thực hành đầu tiên!
– Đối với người lớn, bệnh nhân của sang chấn tâm lí thì gấu bông giúp gợi nhớ lại ấu thơ, xoa dịu cảm xúc và được sử dụng trong một số điều trị mất ngủ, hay lo âu hay chứng hoảng sợ hậu biến cố.
Khi nào thì cha mẹ cần giới thiệu Vật chuyển giao?
Mặc dù AAP – Hiệp hội các bác sỹ nhi khoa Hoa kì khuyên cha mẹ chỉ cho con NGỦ CÙNG GẤU BÔNG khi bé được 12 tháng, một số các chuyên gia giấc ngủ có khuyên cha mẹ GIỚI THIỆU những vật chuyển giao này từ sớm hơn. The Sleep Lady, một chuyên gia về giấc ngủ của trẻ theo trường phái dịu nhẹ – gắn kết và yêu thương thì khuyên cha mẹ giới thiệu từ 4 tháng tuổi. Theo bà, việc giới thiệu doudou, gấu bông hay chăn yêu thương từ sớm sẽ giảm đi rất nhiều sự hủy diệt của những cuộc KHỦNG HOẢNG SỢ XA CÁCH của bé, ở mốc 7 tháng, 11 tháng, 18 tháng, 2 tuổi và đặc biệt giai đoạn 3-4 tuổi khi mối quan hệ của bé được mở rộng và bé có thể cần vật chuyển giao này nhất!
Cũng theo các chuyên gia tâm lí, dù cha mẹ giới thiệu sớm hay muộn, trẻ bắt đầu chú ý đến sự tồn tại của vật chuyển giao này từ khoảng 7 tháng, và nhiều bé bắt đầu gắn bó với người bạn đầu đời này từ 12-18 tháng tuổi.
Lúc nào thì nên lo lắng?
Thông thường thì sự phụ thuộc vào vật chuyển giao sẽ giảm dần khi bé vào 5-6 tuổi, khi nhận thức xã hội của bé tốt hơn và con quen dần với chu kì sinh hoạt, việc xa cha mẹ trong ngày khi đi học và những “áp lực” cuộc sống khác.
Tuy nhiên, nếu ở mốc 5-6 tuổi mà bé KHÔNG THỂ HOÀN THÀNH ĐƯỢC MỘT VIỆC GÌ MÀ KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG HÀNH CỦA VẬT CHUYỂN GIAO thì lúc này mẹ cần tìm hiểu sâu hơn về những áp lực tàng hình mà con đang đối mặt, cũng như quan sát thêm nếu con cần có sự hỗ trợ về giải tỏa tâm lí, và giảm dần sự phụ thuộc vào vật chuyển giao.
Trong mọi trường hợp, đại kì là cha mẹ trêu chọc hay chê con về mối quan hệ của con với gấu bông hay chăn yêu thương. Hãy nghĩ đó là vật mà con yêu nhất, gắn bó nhất và trân quí nhất, tại sao cha mẹ lại chê? Chúng ta luôn đi tìm sự thủy chung trong các mối quan hệ, dù cho đó là gì, vậy lại sao lại cần làm tổn thương cảm xúc của bé??? Mẹ ơi, ghi nhớ nhé!
Các cách làm nhạt dần một mối quan hệ mặn nồng?
Sức khỏe tinh thần (mental health), cơ chế điều chỉnh với áp lực cuộc sống (coping mechanism) và thông minh cảm xúc (emotional intelligence) còn là những khái niệm khá xa lạ với người Việt và việc thực hiện nó thông qua vật chuyển giao: gấu bông, chăn yêu thương hay doudou đang trở thành một trò cười hay sự chỉ trích của người lớn. Tôi không đồng ý với điều này.
Với tôi, việc những cá nhân, dù nhỏ hay lớn học được cách điều chỉnh cảm xúc, giảm tải áp lực cuộc sống mà không tìm đến các lối thoát tiêu cực là cực kì quan trọng. Đôi khi nó mang tính sống còn. Vì thế, vật chuyển giao không có gì là xấu cả, nó đang dạy cho chúng ta cách tìm cách gỡ những thắt nút của cuộc sống đó!
Cách tiếp cận cá nhân của tôi sẽ là quan sát thời điểm mà con sẵn sàng rời xa. Tránh những thời điểm mấu chốt về tâm sinh lí: con mới đi học, con chuyển nhà, cọn bị ốm, thú cưng qua đời….
Đi lớp: Ở các trường ở Phương tây, cụ thể là ở Thụy điển và Pháp, trẻ có quyền được mang thú bông cưng đến trường, nhưng cũng có qui định rất rõ ràng ở đâu và lúc nào con cần “bạn đồng hành” này: chỉ khi con đi ngủ trưa. Thời gian còn lại, con có thể đặt bạn trong ngăn tủ riêng, hoặc trong cặp.
Ở nhà: mẹ có thể thiết kế những lần đi giặt cho chú thú bông, để con có thể rời xa bạn.
Những lần đi ngủ ở nhà ông bà hay đi ngủ nhà bạn (sleep-over) cũng là những cơ hội thử thách, vờ quên gấu bông để thử về độ sẵn sàng của bé. Thông thường các bạn trên 7-9 tuổi có thể không mang gấu bông đến ngủ nhà bạn nữa, những cũng không nên quá ngạc nhiên nếu bạn 10 tuổi vẫn có một con gấu bông để ngủ cùng khi tham gia các buổi sleep-over.
Mẹ cũng có thể giáo dục con về cảm thông và chia sẻ khi những lần mẹ ốm, mẹ buồn, mẹ cần sự chia sẻ và con cho mẹ “mượn” bạn gấu bông của con để cùng đồng hành.
Kinh nghiệm cá nhân thì gấu bông là dành cho tất cả mọi người, và ở mức độ gắn kết vừa phải, đó không có gì là gây hại. Ví dụ khi con sống xa ông bà, con thường tặng ông bà trong những dịp đặc biệt những con gấu bông, kèm lời nhắn: “khi ngủ, ông ôm con gấu này, ông nhớ đến cháu nhé”. Với con, đó là sự đồng cảm và thể hiện tình yêu thương thông qua vật dẫn, và các con cũng rất vui và tự hào khi ông bà cũng gắn kết với món quà “độc lạ” này của con!
Suy cho cùng, chúng ra dù già dù trẻ, cũng ta đều mưu cầu sự hạnh phúc và tình yêu thương. Và khi những khoảng cách địa lí và điều kiện sống không cho phép, chúng ta vẫn sử dụng những thứ biểu trưng ấy để thể hiện tình yêu và sự quan tâm tới mọi người mà.
Chính vì thế, dù Chín Mười đã hơn 1 tuổi rưỡi, mỗi mùa Noel tôi vẫn tặng con gấu bông. Và khi con tôi đã lớn một chút, tôi không hề lo lắng khi thấy con vẫn ngủ với doudou. Tôi hiểu con thừa sức có thể ngủ không cần mấy con gấu bông ấy, nhưng nếu có một cách để giải tỏa áp lực học đường, xã hội và cuộc sống hang ngày và để con ngủ ngon hơn, tại sao lại tước đi của con????
Nguồn tham khảo:
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/13061115/
https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-guest-room/201407/more-just-teddy-bears
-0 Bình luận-