AN TOÀN NGỦ
Ai cũng lần đầu làm mẹ, và cũng đôi lần hoang mang trước vô vàn sự lựa chọn về các sản phẩm cho bé, đặc biệt là những nhu yếu phẩm liên quan đến các nhu cầu cơ bản nhất của con.
Trong bài viết này, Chũn sẽ giúp cha mẹ hiểu thêm một vật tối quan trọng, nơi mà con có thể sinh hoạt tới 19-20 mỗi ngày trong đó, và những điều thiết yếu nhất – thiết thực nhất mà cha mẹ có thể chăm sóc tới sức khỏe giấc ngủ và sự phát triển của con.
Cũi là sự lựa chọn của đa số (90%) cha mẹ hiện đại tại một cuộc điều tra khảo sát tại Singapore. Cho bé sơ sinh nằm ngủ riêng trong cũi là lời khuyên của rất nhiều cơ quan y tế trên thế giới, để phòng chống hội chứng đột tử trẻ sơ sinh. Một thống kê ở Anh cho thấy khi con nằm cũi thì rủi ro đột tử giảm đi tới 40 lần so với nằm chung với 1 người lớn (bé sơ sinh tuyệt đối không nên ngủ chung với 1 em bé lớn khác, theo lời khuyên của các chuyên gia y tế).
CŨI GỖ
Cũi gỗ là sự lựa chọn truyền thống và phổ biến nhất của các bậc cha mẹ phương Tây khi chào đón sự chào đời của con yêu.
Cũi gỗ không chỉ chắc chắn, chịu lực tốt và tạo sự nhất quán tạo cảm giác ổn định trong tổ chức sinh hoạt của gia đình, cũi gỗ còn có thể thay đổi nhiều tính năng và do đó có thể là môi trường ngủ cho bé lâu dài nữa.
Ưu điểm của cũi gỗ:
- Chắc chắn, cố định, ổn định. Điều này là điểm mạnh nhất của một chiếc cũi gỗ: cảm giác an toàn cho cả cha mẹ và người sử dụng (em bé yêu).
- Dát giường – dát cũi (phần đỡ đệm) chắc chắn, phân bổ lực đều, không có nguy cơ bị võng.
- Chịu lực lên tới 25kg hoặc hơn (khi chuyển thành chế độ giường). Cũi gỗ có thể nằm cho đến khi chán thì thôi, ra ngoài 36 tháng.
- Cũi có thể chuyển tính năng: từ cũi cho bé sơ sinh – hạ cũi cho bé lớn – giường cho bé 1-2 tuổi và giường cho bé lớn. Một số loại cũi cha mẹ có thể chuyển công năng thành cả bàn học cho con!
- Khấu hao ít hơn với các loại cũi chất lượng tốt. Dễ dàng tháo lắp và thanh lí hoặc tái sử dụng cho em bé tiếp theo (trước khi tái sử dụng, cha mẹ cần kiểm tra các chốt và thanh cũi chắc chắn. Và khi tái sử dụng có thể cha mẹ cần thay đệm)
Nhược điểm
- Nặng – khó di chuyển (một số loại cũi có bánh xe có thể di chuyển từ phòng nọ sang phòng kia, nhưng khó khăn hơn) – không thể mang mang đi du lịch
- Loại chất lượng tốt thì giá khá mặn
Những lưu ý quan trọng khi chọn cũi gỗ
- Chất lượng cũi (gỗ – sơn – craftsmanship): chất lượng của chiếc cũi lớn nhất nằm ở gỗ, độ tinh xảo trong mài mịn mọi mặt phẳng để không còn dằm, gỗ được xử lí chống cong vênh – nứt – rạn và được sơn an toàn. Một số lại cũi xịn xò còn có thêm một lớp nhựa mỏng phủ 2 thành cũi, phòng các chiến sỹ mài răng trong quá trình lớn lên.
- Khoảng cách giữa các thanh cũi 6-9cm là khoảng cách an toàn. Đêm cũi cần vừa vặn với kích thước cũi, để khoảng cách giữa đêm và thành cũi không quá 3cm là đảm bảo an toàn cho con
- Hạ thành cũi: Ở châu á chúng mình thấy rất khổ biến loại cũi có thể hạ thành, tuy nhiên từ 2011 loại cũi này đã bị cấm tại Mỹ do nhưng tai nạn thương tích có thể xảy ra. Việc sự dụng cũi có thể hạ được 1 bên thành cũi thì cha mẹ cần lưu ý chốt cũi chắc chắn, LUÔN LUÔN CHỐT CŨI sau khi đặt bé (nếu cũi đặt độc lập). Với trường hợp cũi đặt sát giường cha mẹ, thời điểm con biết lẫy sẽ là lúc cha mẹ cần đóng thành cũi – đẩy cũi ra xa – hạ đáy cũi để trở thành một môi trường ngủ độc lập và đảm bảo an toàn cho bé.
- Hạ dát cũi – đáy cũi: được thực hiện ngay khi bé biết lẫy, khoảng 3-4 tháng.
- Khi bé biết đứng: là lúc cha mẹ cần QUAY PHẦN CÓ THỂ HẠ THÀNH CŨI VÀO SÁT TƯỜNG, đồng thời đẩy cũi xa ra khỏi mọi mặt phẳng con có thể trèo lên.
Những hãng phổ biến:
Siêu đắt: Snuz – Stokke – Graco
Bình dân: Mothercare – IKEA và ở Việt Nam các dòng cũi cha mẹ có thể tham khảo thêm tại Moonie Kids
CŨI VẢI
Cũi vải còn có tên khác là Pack and Play, hay Playard hoặc Playpen. Đây là một khoảng không gian nhỏ được đóng kín 4 mặt đảm bảo an toàn để con có thể chơi và ngủ.Theo AAP thì cũi vải là an toàn cho bé ngủ.
Ưu điểm:
Di động: đây là điểm mạnh nhất của cũi vải. Chỉ 1 phút là mẹ có thể gấp xong cái cũi, và chỉ 1 phút mốt là có thể tạo môi trường để con chơi và ngủ an toàn. Cũi vải là cứu tinh của gia đình khi bố trí không gian ngủ cho bé khi đi du lịch, khi về quê hoặc khi cần thay đổi chỗ ngủ cho con. Cũi vải: mục đích đầu tiên là để tạo chỗ chơi, và có thể kết hợp làm chỗ ngủ.
Nhẹ, đương nhiên, vì nhẹ mới dễ bê chứ.
An toàn – tiết kiệm: Cũi vải đã trang bị sẵn lớp lưới thông thoáng và 4 mặt không thể nào chằng quây cũi nên cha mẹ không có cám dỗ đặt một tỉ thứ có thể làm cản thông khí và nguy cơ gây ngạt cho con.
Các cũi vải thế hệ mới đều có khóa kéo để có thể đặt cũi sát giường người lớn, sẽ rất tiện cho 3-4 tháng đầu.Tuy nhiên, cha mẹ lưu ý, khi con biết lẫy là thời điểm cha mẹ cần đóng cũi và hạ để cũi ở nấc thấp hơn.
Nhược điểm
- Tùy từng hãng nhưng cũi vải có vòng đời ngắn. Tùy từng hãng mà cũi có thể sử dụng đến 13-15kg (hay xem hướng dẫn sử dụng của hãng). Theo AAP, bất cứ một khi nào con có thể trèo thành công ra ngoài cũi vải, chiếc cũi này sẽ không còn an toàn cho bé nữa. AAP không có lời khuyên nào cho các đối tượng vượt rào – trốn ngục khi sử dụng cũi gỗ, hihi.
- Sự ổn định: Vì cũi vải di động và cảm giác thiếu đi sự vững chãi nên cảm giác an toàn ổn đỉnh kém hơn cũi gỗ.
- Mặt phẳng bé nằm được nâng đỡ không phải bằng các thanh dát gỗ như cũi gỗ mà bằng những thanh sắt đan chéo và cọc chống nằm giữa nên phân bổ lực không được đều. Sau một thời gian sử dụng lâu sẽ có hiện tượng võng ở tâm cũi.
- Khả năng tái sử dụng kém hơn: Nếu cũi vải đã được sử dụng bởi bé lớn (nặng hơn) thì kể cả khi thay một chiếc đệm mới, cũi vải cũng không đảm bảo an toàn lí tưởng cho em bé mới sinh tiếp theo. Nếu tái sử dụng, hãy sử dụng cũi vải này như không gian chơi, hoặc cũi sơ cua – cũi du lịch cho bé lớn (>6m) khác.
Các hãng thông dụng: Graco đứng đầu bảng về độ phổ biến và tính năng, tiếp đó là Joie và Chicco.
NÔI NẰM CHUNG
Nôi nằm chung có thể là một chiếc nôi tách biệt mà cha mẹ đặt con lên giường, hoặc một bassinet đặt cạnh một bên giường cha mẹ.
Nếu bạn dùng nôi đặt lên giường cha mẹ, lưu ý đặt nôi lên gần phía đầu bố mẹ, và đặt LÊN TRÊN CHĂN, nếu cha mẹ có đắp chăn.
Nếu bạn dùng nôi cạnh giường, bassinet, khi bé biết lẫy, hãy chuyển bé vào cũi an toàn, mẹ nhé!
LỰA CHỌN ĐỆM
Đệm cho bé cũng là một sự đau đầu không hề nhẹ. Theo các tài liệu nước ngoài, đệm của bé cần cứng, nhưng trong tham chiếu với một chiếc đệm mềm oặt mà người lớn họ nằm.
Ở các nước châu Á thì ngược lại, chúng ta quen nằm trên mặt phẳng đệm cứng – đệm bông ép. (xin thề, lần nào về nằm giường bông ép thì cái lưng của mình cũng gãy làm đôi và cả đêm không ngủ nổi).
Trên thực tế, đệm quá cứng cũng có thể làm con khó chịu và mẹ tưởng nhầm là “con không chịu cũi”. Chín là một em bé nhạy cảm và cũng trải qua một giai đoạn như thế: cứ đặt vào cũi đệm ép bông là khóc, đặt vào giường mẹ thì lại ngủ ngon. Ngay lúc đó, mình đã nghĩ đến độ lún của đệm và nhắc mẹ Dừa thử lại độ lún cho Chín. Sau khi mua thêm 1 lớp đệm cao su non bổ sung vào đệm của Chín, sự phản kháng cũi của Chín đã từ từ ngớt rồi tạnh hẳn.
Đối với đệm lò xo, đệm càng nhiều lò xo thì càng có độ trợ lực tốt.
Đối với đệm mút thì mẹ cần lưu ý các điểm sau: Đệm quá mềm có thể nguy hiểm cho bé, bởi nó ẩn chứa nguy cơ ngạt/đột tử bé sơ sinh. Phép thử bàn tay với đệm thực hiện như sau:
PHÉP THỬ BÀN TAY: Xòe bàn tay ấn xuống đệm, hoặc đặt một vật có đường kính 17cm nặng khoảng 5kg lên mặt đệm. Nhấc nhanh lên mà đệm không lưu giữ lại dấu tay/dấu của vật nặng được nhấc lên thì có nghĩa là đệm đủ cứng và an toàn cho bé.
ĐỆM 2 mặt: một số cũi đi kèm với đệm 2 mặt. Một mặt cứng hơn cho bé sơ sinh và mặt mềm hơn để đảm bảo sự thoải mái cho bé lớn sau 12 tháng. Mẹ hãy đọc kĩ hướng dẫn sử dụng của cũi/đệm đi kèm để sử dụng đúng cách mẹ nhé!
Đệm cần vừa với cũi, khoảng cách tối đã giữa đệm và cũi là 3cm. Đệm càng khít cũi, càng an toàn.
CÁC LƯU Ý AN TOÀN NGỦ:
Một môi trường ngủ an toàn cho bé là
- Bé nằm một mình
- Bé được đặt nằm ngửa
- Trong cũi riêng hoặc một mặt phẳng ngủ riêng. Cũi đảm bảo an toàn.
- Đệm cũi dùng ga chun (fitted sheets), được dắt gọn gàng và chặt căng vào mặt sau đệm.
- Bé không dùng gối – chăn – gấu bông trong cũi
- Bé không đội mũ hay trùm/che đầu
- Môi trường mát mẻ, thoáng gió. Hãy kiểm tra gáy con để biết bé bị nóng hay lạnh.
- Cũi cần có lưu thông khí tốt, vì thế dưới 6 tháng cũi không nên sử dụng quây. Sau 6m mẹ có thể sử dụng quây lưới, hoặc nếu sử dụng quây vải thì cần đan xen kẽ thành cũi.
- Bé có thể sử dụng quấn chuyên dụng, túi ngủ chắc chắn.
- Quanh cũi hoặc trong vòng tay với của bé không có dây, dù đó là dây mũ, khăn sữa cuộn lại, dây yếm hay dây điện của các thiết bị theo dõi/quạt. Nếu cần dùng quạt, hãy sử dụng quạt tích điện không dây, treo cao – xa và chắc chắn.
- Bé có thê cần dùng ti giả tới 6 tháng để phòng đột tử trẻ sơ sinh
Cuối cùng:
Đầu tư cho cũi – chỗ ngủ cho bé là một khoản đầu tư có thể sinh lời nhiều nhất. Bởi chính giấc ngủ và sự phát triển trí não của bé chính là khoản lãi vô hình mà chính bạn sẽ ngạc nhiên và hưởng lợi trong cả quãng đời sau này.
Nên nhớ, em bé sơ sinh có thể dành tới 18h mỗi ngày nằm trong cũi, trên mặt phẳng đệm mà bạn đã tỉ mẩn nghiên cứu và lựa chọn. Có những chiếc cũi có vòng đời lên tới hàng chục năm, khi chuyển mục đích thành giường. Có rất nhiều loại cũi có thể chuyển đổi mục đích như vậy, tham khảo thêm TẠI ĐÂY.
Bản thân mình sử dụng cũi mothercare. Mình mua 1 lần, dùng cho cả 2 bé trong gần 5 năm và sau đó đem tặng cho trại mô côi để có thể tiếp tục vòng đời của chiếc cũi chắc chắn đó cho hàng chục em bé nữa. Với mình, món đầu tư bỏ ra đã thu lợi cực kì xứng đáng.
Chúc mẹ sẽ tìm được cũi và đệm ưng ý.
Chúc con ngủ ngon.
-0 Bình luận-