Các bước để đến bữa ăn hiệu quả
Một vài lời phủ đầu
Rất nhiều lần mình có nói về nút chờ, nhưng có lẽ mọi người thường liên hệ nó với sự cáu gắt và khóc hờn khi con ngủ và khi chuyển giấc.
Ôi, không nhé. Việc dừng lại và chờ một chút là những qui tắc thực hành mà mẹ sẽ làm hàng ngày đấy, kể cả khỉ bé chơi và bé ăn nữa đó. Đó là khoảng thời gian mẹ quan sát và tìm tín hiệu từ “em bé nói ngoại ngữ – tiếng mặt trăng”, và đoán biết xem: con đang cần gì?
Mẹ cùng đọc chu trình này, nó được coi là một phần của nút chờ trước khi mở đầu một bữa ăn mẹ nhé! Đây là thời khắc khi mẹ xác định là con đói hoặc đến giờ bé ăn….
Chúng ta thường thấy là đôi khi mẹ lề mề con lại cực ngoan, một phần có thể là mẹ may mắn được trời phú cho một em bé bình tĩnh nhưng một phần lớn là khi mẹ lề mề thì con cảm nhận cảm giác đói đậm sâu thêm một chút, kéo dài thời gian, con có cơ hội cân bằng cảm xúc (giảm cáu, nín khóc) trước khi được tiếp cận bầu ngực.
Một em bé bình tĩnh, nhìn thấy bầu sữa/bình sữa, đón nhận, há miệng to đủ để ngậm vào miệng nhiều nhất có thể. Bé ngậm sâu núm là cách tốt nhất để ăn hiệu quả, không hút phải hơi. Một em bé ít hút phải hơi thì mẹ đỡ vất vả hơn với khâu ợ hơi và mẹ ít mắc phải nguy cơ sặc, nôn sau ăn hơn.
Tại lúc mở màn bữa ăn, nhiều mẹ thậm chí còn ợ hơi trước, nhất là các bé trước đó khóc lâu hoặc bé bị trào ngược, acid reflux.
Mẹ nên nhớ nhé, từ 0-6m thì mẹ không bao giờ nên dùng ống hút, thìa để cho bé ăn. Nguy cơ bé bị sặc là rất cao và lượng hơi bé nuốt vào bụng là không kiểm soát được, việc này có thể dẫn đến nôn trớ, đầy hơi và đi ngoài phân bọt; gây đau đớn cho bé ngay sau khi ăn và đau hậu môn (khi đi ngoài ra phân bọt), và đây cũng chính là khởi nguồn của chứng sợ ăn tâm lí do con bị ép ăn (ăn bị động).
Đôi khi, mẹ nhanh nhẹn quá chưa phải là tốt. Cứ từ từ chậm rãi đã mẹ nhé. Và đặc biệt lưu ý: đừng cố chọc bình hay lừa để nhét vú vào miệng con, bởi đây là nơi niềm tin bắt đầu, ai lại lừa nhau thế!
Lằng nhằng quá, thế các bước đến một bữa ăn hiệu quả của trẻ sơ sinh bao gồm những gì?
Các mẹ thân mến, tiếng khóc của trẻ sơ sinh có thể gửi gắm rất nhiều thông điệp, và chỉ một trong số những thông điệp đó là CON ĐÓI. Khi quan sát và thấy con đói, hãy cho con ăn.
Các bước đến một bữa ăn hiệu quả cho bé yêu.
Thông thường, nếu các mẹ dừng lại một chút và chờ : 5-10 phút trước mỗi bữa ăn, mẹ quan sát thật kĩ các tín hiệu đói của bé, giúp con cảm nhận cảm giác đói, ăn chủ động và giúp con bình tĩnh cảm nhận hoạt động ăn một cách thư giãn nhất. Những người mẹ có thói quen dỗ con nín, bình tĩnh trước khi cho ăn và sẽ có thể giúp con tiếp nhận bầu vú tốt hơn. Nhiều mẹ thậm chí thực hiện ợ hơi trước khi ăn, để đảm bảo trạng thái tiếp nhận sữa mẹ là bình tĩnh và thư thái nhất. Bữa ăn bắt đầu ở một trạng thái tích cực cho cả mẹ và con.
“Từ ngoài 3 tháng, nhiều mẹ quên mất các bước này, hoặc trước đó hoàn toàn không thực hiện chờ và quan sát. Và hệ quả là một thực tế: có rất nhiều bé 3-4 tháng mà hoàn toàn không biết đói và không có phản xạ đòi ăn”
Cho dù sữa mẹ hay sữa công thức là nguồn dinh dưỡng chính, thì cha mẹ cần thực hiện bước sau đây để đi đến một bữa ăn hiệu quả đồng thời đảm bảo kết nối chính xác với nhu cầu của bé. Việc kết nối đúng với nhu cầu của bé có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo một nếp sinh hoạt nhịp nhàng, việc bé được tôn trọng ý nguyện và do đó giảm thiểu tối đa được việc ép ăn sau này khi bé lớn hơn.
Bước 1: Giảm thiểu tối đa mọi xáo trộn không cần thiết.
Khi mẹ mới bắt đầu học cách cho bé ăn và con cũng từ từ học cách ăn hiệu quả, sự tập trung có ý nghĩa rất quan trọng để hình thành thói quen ăn tốt, do đó môi trường cho ăn càng ít sự phân tán càng tốt. Hãy tắt TV. Mẹ có thể để nhạc nhẹ, nếu thích. Hãy chuyển điện thoại sang chế độ im lặng, và hạn chế cầm máy khi đang cho bé ăn. Nếu nhà có khách hoặc người qua lại hay có bé lớn hơn, mẹ có thể lui vào phòng ngủ nơi không có ai để thực hiện một bữa ăn trong tĩnh lặng. Nếu nhà có con lớn, hẳn mẹ đã thành thợ cho ăn chuyên nghiệp và mẹ cũng không thể để bé lớn hơn một mình, lúc này việc tạo những hoạt động tĩnh cho bé lớn lại có ý nghĩa rất lớn để đảm bảo sự thư thái cho mẹ và em. Mẹ có thể cho bé lớn vẽ tô màu, hoặc nếu có thể, mẹ có thể vừa cho bé sơ sinh ăn và vừa đọc sách cho bé lớn. Giọng nói của mẹ có thể làm thư giãn cả 2 bé một lúc đồng thời.
Bước 2: Thay bỉm.
Nếu khi giờ ăn đến mà bé sơ sinh còn đang chơi khá ngoan, mẹ có thời gian để thực hiện thay bỉm cho bé, hãy làm điều đó. Thay bỉm trước khi ăn sẽ giúp bé cảm thấy sạch sẽ và giảm bớt tình trạng mẹ phải thay sau khi ăn no (có thể làm bé ợ/trớ). Nếu bé hay ị sau khi ăn, mẹ có thể lùi lại việc thay bỉm sang sau bữa ăn. Vào ban đêm, nếu bỉm không đầy, không bẩn thì việc thay bỉm là không cần thiết.
Bước 3: Lau rửa sạch sẽ:
Mẹ cần rửa tay sạch sẽ, lau ngực nếu bé bú mẹ, trước mọi bữa ăn.
Bước 4: Lựa chọn sự thoải mái:
Đau và mỏi là hiện tượng thường thấy ở các bậc cha mẹ hay bồng bế bé liên tục và khi cho bé ăn trong một tư thế không thoải mái sẽ càng trầm trọng thêm vấn đề. Vì thế trước khi đặt bé vào ngực mình, hay cho bình vào miệng bé, mẹ cần tìm một chỗ ngồi và một tư thế thoải mái với đủ hỗ trợ cho lưng và cánh tay của mẹ. Bởi nhiều bé sơ sinh sẽ mất đến 40 phút để thực hiện một bữa ăn, và việc mẹ liên tục thay đổi tư thế sẽ làm gián đoạn nhịp mút của bé yêu. Thông thường, chúng thôi khuyên mẹ sử dụng gối giúp bé nằm thoải mái khi ăn và mẹ cũng không bị mỏi.
Bước 5: Tháo bỏ sự ràng buộc
Nếu bé được quấn trước đó, hay tháo quấn cho bé để chuẩn bị vào bữa ăn. Tháo quấn bé sẽ có cơ hội thực hiện da tiếp da, và với những bé hay ngủ gật trên ti thì tháo quấn sẽ làm bé chơi vơi hơn, do đó ít gà gật trong bữa ăn.
Bước 6: Tạo sự thư giãn nếu bé cáu gắt
Ai cũng vậy chứ không chỉ một em bé sơ sinh, khi đang cáu giận thì không thể làm việc gì có hiệu quả cả. Nếu bé đang quấy khóc thì khó có thể thư giãn để có thể bú mẹ, hoặc tiêu hóa thức ăn, hãy thữ dỗ bé nín trước khi đặt bé vào ti hay đưa bình vào miệng bé. Dỗ nín có thể thực hiện bằng một bài hát nhẹ nhàng, kèm bế bé, vỗ nhẹ – nhịp đều đặn và hơi đưa người để bé thư giãn đến nín.
LÚC NÀY MẸ CÓ THỂ BẮT ĐẦU BỮA ĂN
Bước 7: Khơi gợi phản xạ gốc và phản xạ bú
Mẹ đưa đầu ngực hoặc đầu núm ti chạm nhẹ vào môi trên của bé. Nhiều mẹ chọn chạm vào một bên mép gần má. Bé sẽ quay đầu và há miệng thật to: ĐÂY LÀ PHẢN XẠ GỐC, một phản xạ tự nhiên mà sinh ra con đã có, và cũng là một phản xạ mà mẹ cần nuôi dưỡng cho con. Bởi 4 tháng, khi phản xạ này biến mất thì mẹ đã có thể thiết lập được một phản xạ CÓ ĐIỀU KIỆN để thay thế nó rồi.
Tóm lại là: Chạm núm lên môi trên của bé, có thể nhỏ một giọt sữa lên môi. Chờ con há miệng thật to, lúc này mẹ đưa con về phía ngực của mình, hoặc đưa bình vào miệng của bé trong trường hợp bé ti bình.
Minh họa bằng Video: https://youtu.be/YaT58IRy4NU
Bước 8: Đánh thức nếu bé ngủ gật
Nhiều em bé hay gà gật khi được ti mẹ, nhất là trong những ngày đầu đời vì thế mẹ cũng cần bỏ ra nhiều công sức và nỗ lực để đánh thức bé dậy để con được bú đủ no. Nếu bé thường xuyên ngủ gật trên ti, hãy sử dụng các mẹo đánh thức. Khi bé lơ mơ là mẹ cần gọi con dậy ngay. Nếu bé ngừng bú, thay vì gõ bình không đem lại hiệu quả gì, mẹ hãy massage má và nhân trung của con, để được khơi gợi phản xạ gốc và phản xạ bú mút mẹ nhé.
Bước 9: Ợ hơi giữa bữa
Nhiều em bé có xu hướng ngủ gật hoặc cáu gắt giữa bữa ăn do nuốt phải quá nhiều khí, làm bé no giả, đau bụng, đầu chướng. Hãy có thói quen vỗ ợ hơi cho bé giữa bữa. Với các em bé ngủ gật thì vỗ ở hơi sẽ giúp bé hồi tỉnh. Với các em bé bị nuốt khí, no giả hay đầy chướng thì vỗ ợ hôi giúp bé đẩy thoát khí ra ngoài, lấy thêm chỗ để ăn tiếp đến no. Khi ợ hơi, có thể một chút sữa sẽ theo cùng khi ra khỏi miệng bé: ợ/trớ sữa. Đừng quá lo lắng cha mẹ nhé, đó là một tín hiệu tốt, bé ợ hơi hiệu quả. Sau khi ợ hơi, bạn có thể tiếp tục bữa ăn.
Trong bữa ăn, nếu bé không bị xao nhãng mẹ có thể vuốt ve bàn tay bé, nói chuyện nhẹ nhàng tỉ tê tâm sự. Nên nhớ rằng bên cạnh cung cấp dinh dưỡng cho con, bé còn cần sự giao tiếp và rất nhiều tình yêu thương từ mẹ nữa. Trong trường hợp bé bị xao nhãng bởi những lời nó và tiếp xúc này, mẹ có thể để dành các hoạt động này cho khoảng thời gian vận động của con
-0 Bình luận-