ĐÊM NGẮT QUÃNG
ĐÊM GIÁN ĐOẠN
Bạn có biết không, đêm của một em bé là một khoảng thời gian 10-12 tiếng con ngủ, lí tưởng nhất là từ 7h tối hôm trước tới 6-7h sáng hôm sau.
Đêm gián đoạn là hiện tượng mà bé đi vào giấc đêm lúc 7h tối, con ngủ ngon được vài tiếng rồi tỉnh giấc và rất khó khăn để ngủ lại. Thời gian thức trằn trọc, quấy khóc cố quay lại giấc ngủ đêm có thể kéo dài 1-3 tiếng đồng hồ, thậm chí lâu hơn. Một trường hợp khác là các con dậy nhiều lần trong đêm, mỗi lần dậy thức hàng tiếng.
Đêm gián đoạn còn nói đến hiện tượng con dậy vào đêm, tỉnh như sáo, nói chuyện vui vẻ, chơi đùa. Cha mẹ có làm cách nào con cũng không ngủ lại được, nhiều cha mẹ thường nói vui: “7h đi ngủ lấy sức, để đêm còn thực hiện công tác giải trí cho cả gia đình”.
Cha mẹ cần lưu ý điểm khác biệt về thời gian của ĐÊM GIÁN ĐOẠN với các lần dậy đêm để ăn đêm thông thường của bé. Dậy ăn đêm là khi con chỉ dậy, ăn uống chớp nhoáng, thậm chí vừa bú vừa ngủ. Việc dậy đêm kiểu này là khá dễ chịu, con chỉ dậy thực hiện đúng công tác nạp nhiên liệu và lại tiếp tục ngủ lại ngay! Đêm của bé vẫn là mộ0t khoảng 12 tiếng nhịp nhàng, tuy chưa thực sự là liền mạch.
CON ĐÃ BIẾT TỰ NGỦ RỒI, TẠI SAO CON VẪN BỊ ĐÊM GIÁN ĐOẠN?
Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới hiện tượng đêm gián đoạn chính là thiếu áp lực ngủ.
Như các mẹ đã biết, áp lực ngủ chính là nồng độ adenosine trong cơ thể. Hợp chất hóa học này được cơ thể tiết ra khi con thức và ăn uống – tiêu hóa và khi con ngủ thì adenosine này được tiêu tán hết. Nồng độ adenosine lên cao sẽ làm ta buồn ngủ, giảm tương tác như một tín hiệu để đưa con vào giấc ngủ. Và khi con càng ngủ lâu, nồng độ adenosine này càng giảm thấp xuống, để khi tỉnh giấc con tỉnh táo và vui tươi. Một thái cực khác là khi thức quá lâu, adenosine có thể gây ức chế thần kinh, giảm khả năng nhận thức và giảm kiểm soát cảm xúc, đó chính là hiện tượng bé cáu gắt như bão cấp 12 mỗi khi bị quá giấc, mẹ nhớ không?
Quay lại với hiện tượng ĐÊM GIÁN ĐOẠN và nguyên nhân chính của nó: thiếu áp lực ngủ.
Về hiện tượng bên ngoài thì thiếu áp lực ngủ (ĐÊM GIÁN ĐOẠN) xảy ra khi con (1) ngủ quá nhiều vào ban ngày, (2) thức quá ít hoặc (3) thời gian thức quá ngắn trước khi vào giấc đêm.
Ẩn sâu bên trong thì sao?
Ở trường hợp (1), khi con ngủ ngày quá nhiều, adenosine được giải phóng hết ra khỏi cơ thể, nên đến thời điểm tỉnh giấc, con mất cái “đà” để ngủ qua đêm. Như một chiếc công nông lên dốc nhưng bị mất đà, lên đến nửa dốc là xe chựng lại….thậm chí ngã giật lùi luôn. Ở đây là adenosine đã hết, con hết buồn ngủ, con tỉnh giấc vui chơi vài tiếng để tích lũy thêm chút adenosine, để thấy mệt, để có “đà”, để ngủ tiếp!
Tương tự (2), (3) là khi con thức quá ngắn trong cả ngày, hay con thức quá ngắn trước ngủ đêm. Để lên hết dốc thì xe cần có đà, để máy bay có thể cất cánh thì nó cần có 1 đường băng đủ dài. Khi con thức ngắn, adenosine tiết ra không nhiều, không đủ mạnh, không đủ lực để giúp con vào giấc ngủ một cách êm ái và chuyển giấc nhịp nhàng. Ví dụ một em bé sơ sinh cần khoảng 5h thức rải rác trong ngày, để tích lũy đủ nồng độ adenosine để ngủ tốt, tuy nhiên vì lí do nào đó con chỉ thức tổng cộng 3h, qui luật tự nhiên sẽ làm bé tỉnh giấc và thức nốt 2h thiếu hụt kia về đêm. Một số bé không có khả năng tự ngủ, thì 2h về đêm này sẽ làm “nhiễu loạn lịch trình”, bé khó khăn tìm lại giấc ngủ và thế là 2 tiếng có thể kéo lê thành 4-5 tiếng đó mẹ ơi.
Tuy nhiên chúng ta cũng không quên kể đến nguyên nhân thứ 2 dẫn đến ĐÊM GIÁN ĐOẠN: đó là các giai đoạn phát triển tinh thần. Khi con học một kĩ năng mới, não con như thể bị nối nhầm mạch, con học kĩ năng này cả ngày và đêm (đặc biệt kĩ năng lật, bò, vịn đứng và đi). Con tỉnh giấc khi thấy mình đang tập bò, và thế là đêm của con bị ngắt quãng, con mê mải bò thêm tí trước khi ngủ lại. Đêm Gián Đoạn kiểu này thường nhanh đến và nhanh đi, chỉ là tạm thời mà thôi.
KHẮC PHỤC ĐÊM GIÁN ĐOẠN BẰNG CÁCH NÀO?
Dù em bé có biết tự ngủ hay chưa, khi vấp phải hiện tượng đêm gián đoạn, giấc ngủ bị ngắt quãng bằng những khoảng lớn thì cha mẹ cần nhìn nhận lại sơ đồ các giấc ngủ của bé trong MỘT CHU KÌ 24H. Ba mẹ cần xem đến thời lượng ngủ ngày của con có quá dài hay không (quá 2h, vì các giấc ngủ dài sẽ giải phóng hết adenosine tích lũy, bé sẽ ít mệt để ngủ đêm), hay con có thức quá ít (thiếu tích lũy adenosine) hay không? Cha mẹ cũng cân nhắc đến độ dài của khoảng thời gian thức cuối, mặc dù khoảng thời gian này con khá cáu kỉnh vì nồng độ adenosine con đã tích lũy cả một ngày đang lên rất cao. NHƯNG CON CẦN ĐIỀU ĐÓ, để con có thể ngủ ngon, ngủ liền mạch và ngủ qua đêm. Cáu một chút nhưng điều này tốt cho con, khi mẹ nhìn nhận vấn đề đúng đắn, việc kéo waketime cuối sẽ không phải một sự tra tấn nữa!
Ngoài ra, dù đau thương nhưng một số bé cần giảm ngủ ngày một chút, để có đủ áp lực ngủ về đêm. Điều này cần sự thử nghiệm và tự đưa kết luận của từng bé, từng gia đình và cần đến khả năng toán học thần kì của mẹ đó!
Mẹ tham khảo thời gian thức giữa các nap và thời gian thức trước giấc ngủ đêm như sau
- Bé sơ sinh: thức 45-60’/lần. Tổng ngủ ngày ~6h-7h
- 6w: 75-90′, trước ngủ đêm 90′. Tổng ngủ ngày 5-6h.
- 10w-16w: 90-120, trước ngủ đêm 120′. Tổng ngủ ngày 4h30 max.
- 16w-19w: 90-150′, trước ngủ đêm 150′. Tổng ngủ ngày ~4h.
- 19-44w: 120-240′, trước ngủ đêm 240′. Tổng ngủ ngày 3h-3h30.
- Từ 44w trở ra, nhiều bé cần thức 4-6h mới buồn ngủ. Đó là lúc con có thể cần chuyển lịch 1 giấc. Tổng ngủ ngày 2h.
TÔI ĐÃ THỬ HẾT, VẪN CHƯA ỔN?
Khi đã thử với các waketime và sleeptime mà đêm gián đoạn vẫn đến với gia đình bạn, lúc này mẹ cần duy trì môi trường ngủ, không gian ngủ có bé trong khoảng thời gian mà giấc ngủ _đáng lẽ_ phải diễn ra.
Các mẹ easy gọi đây là: duy trì môi trường ngủ.
Việc duy trì môi trường ngủ tối và lạnh là môi trường lí tưởng cho não bộ tiết melatonin vào cơ thể, giúp con lấy lại được giấc ngủ đang bị ngắt quãng. Đôi khi mẹ cũng cần chấp nhận rằng con sẽ chơi một chút kể cả trong môi trường gọi mời giấc ngủ này, con chơi trong tĩnh lặng và chờ tích lũy đủ áp lực ngủ (adenosine) để có thể buồn ngủ và đi nốt phần còn lại của đêm. NẾU CÓ THỂ, MẸ HẠN CHẾ CAN THIỆP, TƯƠNG TÁC VỚI BÉ, và không bật đèn. Bởi ánh sáng chính là yếu tố làm ngắt quãng tiết melatonin, giấc ngủ lại càng khó quay trở về với con.
Với các bé dù đã thức hết thời gian thức ban ngày mà vẫn bị đêm gián đoạn, mẹ có thể thực hiện tăng vận động.
Với các bé quá cáu gắt khi kéo dài thời gian thức cuối, mẹ có thể cân nhắc tăng chơi tự lập ở các giấc đầu ngày, tăng vận động, giảm thời gian bé được bế hay được ngồi một chỗ trong xe đẩy khi đi thăm thú.
Với các bé tới hết thời gian thức vẫn chưa buồn ngủ, mẹ cần tăng các hoạt động của ngày, giới thiệu trình tự ngủ sớm hơn, dài ra, để cơ thể có bóng tối và nhiệt độ thấp báo hiệu cho giấc ngủ đến với con ở thời điểm “ngọt” mà không bị quá giấc!
SÁNG HÔM SAU….
Nghe có vẻ rất phũ phàng nhưng để cắt đứt vòng lặp đêm gián đoạn này, cha mẹ cần gọi bé dậy vào buổi sáng ở một mốc thời gian hợp lí. Kể cá khi đêm gián đoạn và ngắt quãng, ngủ nướng là không thể nha con!
Áp lực ngủ chỉ tích lũy khi con tỉnh giấc, ăn uống và hoạt động. Vì thế ngủ nướng hay nằm chơi trong bóng tối có thể làm giảm quá trình tiết adenosine và ảnh hưởng tới áp lực ngủ của giấc ngủ tiếp theo.
Túm lại là không phải chúng tôi tự vẽ ra mấy cái lịch các mẹ ạ, mà tự nhiên vốn đã vậy, chúng tôi chỉ ghi chép lại cho các mẹ tiện thực hành mà thôi.
-0 Bình luận-