Con bám dính và hay quấy bên mẹ, tại sao?
Đâu đó trong khoảng sinh nhật 1 tuổi, mẹ sẽ ngỡ ngàng nhận ra một vài kĩ năng siêu phàm của bé, trong đó bao gồm tính năng bám dính siêu đẳng hơn keo con chó, hay khả năng lật mặt nhanh hơn lật bánh tráng khi có sự xuất hiện của người mẹ thân thương.
Trời ơi!!!!!
Từ những em bé chơi tự lập hàng tiếng trong cũi, từ những tháng ngày tôi luyện trầy da tróc vẩy khắc phục sợ xa cách….đã thành nhưng cục keo thế này…. Giờ các kĩ năng ấy biến đi đâu? Thế này luyện chơi tự lập cũng bằng 0 à??? Tại sao? Tại sao? Why why why?????
Từ từ hẵng tuyệt vọng nào các mẹ thân mến, ngồi xuống uống miếng nước nhai miếng bánh và cũng học cách sống chung với lũ trong tâm thái tận hưởng tí nào. Tại sao? Sao lại lại tận hưởng??? À đấy, các mẹ cứ từ từ mình giải thích cái nghiên cứu khoa học bố láo sau đây đã nhé, ok!
CON HƯ HƠN 800% KHI Ở BÊN MẸ! Children are 800% worse when their mother are around.
Cái nghiên cứu cú đỉn và đương nhiên là fake này chỉ là một cách nói ngắn gọn về hiện tượng lật mặt của các boss. Cả ngày ở nhà chơi với ông bà ngoan như con cún, nhưng hễ thấy mặt mẹ là chuyển chế độ nhệch mặt ra khóc, nhấm nhẳng như chóa cắn giẻ rách và nếu mẹ có đi đâu về thì các boss sẽ bổ sung thêm tính năng bám dính siêu hạng keo con chó.
Có những mẹ đi lại với một boss đang bám chặt dưới chân.
Có những mẹ vừa rửa bát tay vừa kéo quần, vì có một ông đang đứng phía dưới lăm le tụt.
Những trận ăn vạ và khóc gào chủ yếu chỉ xảy ra với sự hiện diện của mẹ (bởi mẹ là người duy nhất rắn, ông bà đầu hàng từ khi trận chiến còn chưa bắt đầu, he he).
Đương nhiên, những hiện tượng này nó quá rõ ràng cho tất cả những người xung quanh, và không khỏi gây hoang mang cho mẹ? Mình đã làm gì sai? Bây giờ phải làm gì cho con ngoan như lúc ở với ông bà??? Liệu con đang trở thành một em bé nhèo nhẽo và ích kỉ? Liệu con có đang làm trò mèo gây sự chú ý? Thậm chí tệ hơn, liệu ông này có đang bị ADHD, attention deficit?
Câu trả lời nó cực kì đơn giản các mẹ thân mến ạ.
Mẹ chính là nơi an toàn, và là nơi con thể hiện những cảm xúc thực nhất, và thường là cảm xúc tiêu cực như buồn, giận, tuyệt vọng và lo lắng.
Bạn có nhớ khi con còn bé tí, khi mới chỉ ở EASY3, mình có dặn các mẹ là khi cho con ăn cố gắng đừng nhìn vào mắt con. Tại sao? Bởi mẹ con có một sự kết nối vô hình mà linh thiêng lắm ấy, điều này đúng cả với người yêu và mẹ nuôi các mẹ nhé. Khi yêu, nhìn vào mắt nhau, con tim như muốn ngừng đập sau đó lại vận hành với vận tốc 200 nhịp/phút. Loạn nhịp tim sẽ dẫn đến việc xao nhãng công việc, tương tư và do đó bỏ bú. Ăn sẽ ít hiệu quả khi mẹ và con ngắm nhau.
Cả đoạn văn dài dòng trên kia chỉ nói rằng mẹ là người xuất hiện đầu tiên, cầm nắm cảm xúc của con nhiều nhất và do đó là nơi an toàn nhất về mặt cảm xúc với con. Kể cả khi mẹ đi làm vắng nhà cả ngày thì vị trí cảm xúc đó không hề thay đổi.
Lạc đề một chút, chúng ta ai cũng là những người lớn giả dối, đó là bản năng tự nhiên đấy. Các mẹ nghĩ xem, ra đường ta luôn tươi cười với người không quen và người quen (trừ tình địch), ấy thế mà chân chạm đầu ngõ, dép đá trên bậc thềm là bao ưu tư cuộc sống, sức khỏe, nhan sắc, tình yêu như một xô nước lạnh trên cánh cửa nó đổ ập xuống đầu. Chúng ta ai cũng có xu hướng tử tế với bạn và xài xể những người thân. Bởi người thân sẽ không bỏ ta vì đôi lần nhăn nhó, bởi người thân là người nhìn thấy ta khi mặt không trang điểm, quần mặc trái từ đằng trước ra đằng sau…. Đó là nơi an toàn của mỗi người.
Với con, cả đống người thân và nơi an toàn đó tập trung lại vào người mẹ. Vì nhìn thấy anh mắt của mẹ, bao nhiêu ưu tư, buồn bực và các nỗ lực phải XÃ GIAO với ông bà và người xung quanh được giải thoát, con xổ ra những cảm nhận và cảm xúc mà con đã giấu kín một ngày.
Vì thế, thấy mẹ là con khóc vì chỉ mẹ mới hiểu và chỉ ở mẹ con mới có thể tự do bộc lộ những cảm xúc sâu kín này. Và sau đó, dù trước đây con có thể chơi tự lập một mình lâu đến đâu đi chăng nữa, mẹ về nhà là con bật chế độ bám dính, bởi mẹ là nơi an toàn, và con con bé bỏng, con sợ và con muốn có đồng hành chở che. Mẹ chính là thùng rác cảm xúc trân quí nhất của con, sự thật đấy các mẹ ạ.
Thực tế là bé giải tỏa mọi cảm xúc tiêu cực, thậm chí có những bé nhịn ị cả ngày chỉ chờ mẹ về để tặng quà cho mẹ thân yêu. Điều này tưởng chừng như một điều phiền toái, nhưng thực tế đó là một việc rất đáng mừng: Con đang học cách điều chỉnh cảm xúc của bạn thân cho phù hợp với môi trường xung quanh. Và mẹ cũng nên yên lòng vì điều này, thay vì quát tháo và phủ nhận cảm xúc tiêu cực của con, mẹ học cách chấp nhận mình đang là nơi an toàn của con và nếu mẹ nuôi dưỡng – trò truyện để tăng kết nối ngôn ngữ và cảm xúc, đây chính là nhịp cầu để mẹ trở thành người bạn thân thiết của con sau này.
Hãy tin mình đi, đó chính là mặt trái của tình yêu mà con đang dành cho mẹ đấy. Bên cạnh những nụ cười và cái ôm thấm đẫm nước dãi, những chiếc miệng xinh nhềnh nhệch ra khóc mỗi khi mẹ về nhà cũng là biểu hiện tình yêu và vị trí tôn thờ của mẹ trong trái tim con.
Còn chơi tự lập ư, hãy tận hưởng khi con còn đang nằm ngửa hay trườn bò. Hãy cũng cố khi con lớn hơn, để khi mẹ vắng nhà, con là đứa cháu ngoan nhất mà ông bà từng có. OK.
Tạm thế thôi, ai còn ảnh keo bám dính siêu hạng thì chung vui cùng gia đình tại đây nào.
-1 Bình luận-
[…] Trẻ con, cứ tầm 10 tháng trở ra là quấn mẹ như keo, mà lật mặt nhanh như lật … […]