Giúp bé học ăn chủ động
Bài viết này áp dụng cho các bé có tiền sự bị ép ăn, sợ ăn hay những bé chỉ ngủ mới ăn. Đó là nhóm các em bé đã từng bị ăn thụ động và ác cảm với việc ăn!
Bài viết này cũng áp dụng với các bé chê bình, chưa ăn bình bao giờ và lúc này mới tập ti bình. Con cần tìm hiểu khái niệm bình mang đến điều gì, và bình không đáng sợ. Bước đầu tạo sự an tâm, tin tưởng và sau đó là tin bình sữa, yêu việc ăn.
Nào, chúng ta cùng bắt đầu!
Việc ăn thụ đông (ăn khi bé ngủ, ăn khi bé không còn ý thức) có thể rất tiện lợi với nhiều gia đình vì tránh được những tiếng khóc như cháy đồi và những tiếng thét có thể xé được cả vải. Tuy nhiên, từ 4 tháng bỗng nhiên việc con ngủ cũng trở nên khó khăn hơn và kể cả khi ngủ rồi – bình cũng ngậm trong miệng rồi con cũng không thèm mút nữa. Và những em bé đã 4 tháng trời không biết ăn là gì, không biết bình mang đến điều gì bỗng hoảng sợ, tự vệ, mím chặt môi mỗi khi bình tới gần. Và lúc đó, chuỗi ngày ép con ăn của bạn bắt đầu. Chúng tôi tạm gọi những điều này là ăn thụ độn – ép ăn. Và hơn ai cả, nếu đã trải qua những ngày tháng này, bạn cũng biết ép ăn không những làm tổn thương đứa trẻ, phá vỡ sự tin tưởng trong mối quan hệ với con mà ép ăn con làm bạn bồn chồn, lo lắng và stress khôn kể nữa. Đó là chưa kể những trận nôn chủ đích có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, tinh thần của mẹ và lượng bột giặt không nhỏ trong kinh tế gia đình!
Hãy tìm hiểu xem bạn có đang ép con ăn?
Mọi chuyện không cần phải gay gắt đến vậy, bạn có thể thay đổi tình thế, nếu bạn có kiến thức và có sự quyết tâm.
Bạn có biết?
Khi sinh ra, con có phản xạ tự nhiên là phản xạ gốc và phản xạ bú mút: đó là bất kể bạn massage một cái gì vào má và môi con, con sẽ từ từ quay đầu về hướng ấy và chờ đón – đó là khi có bất kể cái gì chạm lên hàm trên của bé, bé sẽ mút dù đó là ti mẹ mẹ ti bình. Đó là cách sắp đặt của Mẹ Tự nhiên để con con có thể tìm được nguồn thức ăn, và bản năng của con sẽ không để cho mình đói.
Phản xạ tự nhiên này sẽ biến mất vào khi bé 3-4 tháng, và nếu trong 3-4 tháng đầu đời này mẹ có kiến thức và chút lí trí để tạo phản xạ CÓ ĐIỀU KIỆN thay thế, thì việc ăn chủ động diễn ra cực kì nhẹ nhàng và tự nhiên, và sự thay thế hai phản xạ này cho nhau hoàn toàn vô hình, đi vào tiềm thức.
Nếu con bạn dưới 3-4 tháng, bạn vẫn còn cơ hội. Hãy đọc kĩ phần gợi mở phản xạ gốc và massage phản xạ mút, phần trước và trong bữa ăn TỪ BÀI HỌC SAU ĐÂY, bạn nhé.
Khắc phục sợ ăn – hướng dẫn ăn hiệu quả – Hướng dẫn ti bình từ đầu – Hướng dẫn bé ăn khi thức: tất cả đều dùng theo cách sau đây.
Với các bé đã trên 3-4 tháng, học ăn hiệu quả sẽ bắt đầu từ việc khắc phục sợ ăn, đặc biệt với các bé đã có lịch sử biếng ăn.
BƯỚC 1: Để khắc phục sợ ăn hay khơi gợi ăn chủ động, việc đầu tiên là bạn cần chờ con thực sự đói và đòi ăn.
Tôi thực sự bất ngờ khi thấy rất nhiều mẹ chia sẻ rằng con họ không bao giờ đòi ăn, như thể nỗi sợ của mẹ to lớn đến nỗi nó nuốt chửng nhu cầu tự nhiên của con vậy. Bạn nên nhớ, trẻ em sống rất bản năng, không một bé nào chịu để cho mình đói, trừ khi việc ăn chính là nỗi khiếp sợ của bé, và lúc đó thà nhịn chứ không phải ăn. Mà ngay cả những lúc đấy, bạn cứ thử nghĩ mà xem, ai – cái gì đã đem lại nỗi khiếp sợ ấy, và cách nào để có thể xóa nó đi.
Nhiều người cho rằng, bao giờ hết sợ + ăn no thì mới học ăn chủ động, mới hết ép. Nhưng nếu bạn cứ ép, thì bao giờ con mới hết sợ? Nó lại như một câu hỏi con gà – hay quả trứng có trước rồi. Bạn người lớn, bạn hơn ở một điểm là bạn có suy nghĩ logic. Bạn thừa biết rằng cứ mãi mãi ép mà mong có sự thay đổi, là không có logic phải không nào!
Ở bước 1, cách làm rất đơn giản: bạn chờ con đói. Nhiều bé có thể làm bạn chờ 18 tiếng, nhưng cũng có bé nỗi sợ quá lớn và ý chí con mạnh, có thể chờ lâu hơn đấy. Bạn có tin không?
BƯỚC 2: Trong lúc chờ, bạn làm gì?
Sẽ có những khoảnh khắc trong thời gian chờ con thực sự đói, bạn sẽ thấy con có ý muốn được ăn, rấm rứt và khó chịu. Hoặc khoảng 4 h bạn có thể thực hiện việc “Nhắc ăn” như sau: Bạn hãy đặt con nằm xuống 1 chiếc gối và bạn đưa bình sữa lại gần con.
– Nếu con hoảng sợ quay đi, bạn hãy cất bình.
– Nếu bé không có tín hiệu hoảng sợ, bạn chỉ cần nhỏ 1 giọt sữa lên môi trên của bé, để bé cảm nhận vị của sữa. Nếu bé không có thái độ bạn có thể nhỏ thêm vài giọt nữa. Lúc này bạn không cần đưa bình vào miệng con, mà đang tạo thông điệp: Bình mang lại sữa – bình không có gì đáng sợ!
– Lúc này nếu bé quay đi, bạn cất bình và chờ lần tiếp theo. Nếu bé há miệng, thật bình tĩnh bạn nhé, bạn chờ bé há thật to mới đưa bình vào 1/3 và để bé nút phần còn lại của núm vào trong miệng. Khi bé mút sâu, bạn có thể rút nhẹ để giúp bé học cách mút ngược lại với nhiều ham muốn hơn. Tuyệt đối không ấn bình vào miệng bé.
– Trong quá trình bé ăn, có thể bạn vẫn cần cầm núm sát cổ, và hơi có cử động rút bình để tạo lực đối ứng, giúp con ăn nhanh và ăn hiệu quả hơn. Thông thường nếu bạn ấn bình, con sẽ đẩy, nhưng nếu bạn hơi có lực rút/lực đối nghịch thì bé lại càng cố giữ và do đó nút mạnh – nút sâu và ăn được nhanh hơn.
– Trong toàn quá trình bé ăn, bất cứ khi nào bé quay đi hay nhè núm, hãy lắng nghe và tôn trọng bé, BẠN HÃY CẤT BÌNH ĐI VÀ NGỪNG BỮA ĂN TẠI ĐÓ! Bạn đã chờ mười mấy tiếng để đến được đến bước này, đừng để công sức chờ đợi xuống sông xuống biển bạn nhé!
Lúc này bạn không theo lịch EASY, mời bé ăn theo nhu cầu, có thể ngắn hơn – có thể dài hơn chu kì easy. Hãy quan sát: CON SẼ LÀ NGƯỜI ĐƯA CHO BẠN TÍN HIỆU CHÍNH
BƯỚC 3: Bé ăn bình đầu tiên có ý nghĩa.
Đó là thời khắc bạn chờ đợi nhất, con ăn một bình với tâm thế ham muốn và ăn no. Bạn hãy ghi nhớ khoảnh khắc này, vì nó sẽ không lặp lại trong vài bữa tiếp theo đâu bạn nhé. Các bữa tiếp theo, do nỗi sợ hãi và kí ức tiềm ẩn vẫn nằm sâu trong bé, nên con có thể tiếp tục ăn cầm hơi để từ chối ăn bữa tiếp theo. Bạn hãy nhìn tới mục tiêu lớn nhất: BẠN ĐANG DẠY CON ĂN CHỦ ĐỘNG. Bạn đang gửi thông điệp tới bé là: Bình mang đến sữa – bình không đáng sợ!
Hãy lặp lại bước 1-2.
BƯỚC 4: Phản kháng ARA
Ngày phản kháng thường là ngày thứ 3, bé nhận biết cách thức mới và phản đối dữ dội. Và bạn lúc này cũng trải qua một giai đoạn tâm lí gọi là đáy vực tuyệt vọng. ĐÂY LÀ MỘT CHU KÌ TÂM LÝ THƯỜNG GẶP Ở TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỨNG TRƯỚC SỰ THAY ĐỔI.
Nếu bạn kiên trì lặp lại bước 1-2 của hướng dẫn này, bạn sẽ đến được điểm CHẤP NHẬN của chu kì này và con còn ăn nhiều hơn cả bạn mơ từ trước đó
Nếu bạn đầu hàng sự phản kháng, bạn sẽ quay về với vòng xoáy ăn thụ động và ép ăn. Sự thay đổi hoàn toàn nằm trong nhận thức và ý chí của bạn, bạn ạ!
BƯỚC 5: Giãn cữ – cắt ăn đêm theo lộ trình phù hợp với lứa tuổi
Để giúp bé ăn hiệu quả hơn nữa, sau khi khắc phục sợ ăn và bé bắt đầu chấp nhận bình và chấp nhận ăn như một phần của cuộc sống. Mẹ có thể kéo căng thêm sợ dây nhu cầu tự nhiên bằng cách giãn cữ ăn phù hợp với lứa tuổi của bé, và nếu cân nặng cho phép: mẹ có thể cắt bữa đêm của bé.
Lưu ý:
Hãy dùng 1 chiếc bình tốt và một chiếc núm có dòng chảy phù hợp với bé. Đọc kĩ bài mẹo ti bình
Hãy thêm sữa vào bình Ở TẤT CẢ CÁC BỮA SAU khi con có tín hiệu mút hết lượng sữa bạn đưa
Thông thường khắc phục sợ ăn mất khoảng 7 ngày, có bé nhanh hơn – đặc biệt là ở các bé nhỏ.
Việc nhỏ sữa mà không ép bé ăn, bạn nhắc con về nhu cầu ăn của bé, chống mất nước và tôn trọng tiếng nói – thái độ và cảm xúc của con.
Mục tiêu đạt được là bé yêu việc ăn như em bé ở clip cuối cùng của video này:
-1 Bình luận-
Bé nhà e được 15 tuần rồi ạ. Nhưng dạo gần đây bé rất lười ti. Em đang trong tình trạng ép bé ti. Bé ti được 5-10p là nhè ra. Mà k ép e lại sợ bé k ngủ được. Bé cũng đang theo easy 4. Đêm 7h e cho bé ti tùy hôm được 120-140ml bé ngủ đến 1h dậy ti khoảng 10p rồi ngủ đến sáng 6h bé dậy. Bé dậy k khóc chơi rất vui vẻ đến 7h cho bé ti nhưng bé vẫn hờ hững ti tầm 5-10p. Bé chơi đến 8h30 ngủ đến 10h30. Dậy bé khóc e cho bé ti luôn nhưng bé vẫn không thiết tha lắm chỉ ti tầm 5-10p lại nhè ra. Các giấc sau cũng bé. Bé giờ được 3t cân đc 5,6kg ạ. Có cách nào bé ăn hiệu quả hơn k ạ . Em cảm ơn ạ