Kỉ luật bàn ăn sau 1 tuổi
Từ lâu lắm rồi, hẹn các mẹ về một bài viết kĩ và đủ về kỉ luật bàn ăn.
Sở dĩ mình không viết, bởi vì mình đã dịch nó ra thành tiếng việt được cả mấy năm rồi mà các mẹ khong biết đấy thôi. Những gì mình áp dụng cho các chiến sỹ quả cảm ở nhà là TẤT CẢ các mánh khóe được trình bày dưới đây các mẹ nhé.
Ở nhà mình, không ai có quyền phát biểu là không thích món gì, nếu chưa nếm qua món đó 3 lần. Đó là nguồn cơn của những cơn đau bụng quằn quại của mình mỗi khi chồng vào bếp, vì phải làm gương ăn đủ 3 miếng mới dám phát biểu: thôi, em xin anh!
Nhưng bù lại, bữa ăn chưa bao giờ là một trận chiến giằng co, dù đôi khi có người dỗi bỏ vào phòng đi ngủ không thèm ăn tối.
- Mình không ép con ăn bao giờ, không ăn thì nhịn. Có bà Emily có thể nhịn kịch kim gần 24 giờ.
- Mình thực hiện đúng trình tự đến bữa ăn hiệu quả, viết từ bài trước!
- Mình làm đúng các nguyên tắc liệt kê trong bài dưới đây….
- Nhưng nếu khó quá, sử dụng liệu pháp độn rau củ vào trong món ưa thích nghen các mẹ, đảm bảo chỉ khóc đôi lần nhưng không có sức ép thì sẽ ăn. Món độn ưa thích của mình là soup, cơm rang và nem, bao thứ chúng nó ghét mình nhét hết vào đó, hihi
Đây là trích đoạn của cuốn cha mẹ pháp không đầu hàng. Một cuốn sách mà mình rất tâm đắc về giáo dục ăn – ngủ – kỉ luật hành vi cho con, từ khi mới chào đời. Các mẹ tìm đọc nhé!
Link ThaiHa Books trên shoppee: https://bit.ly/2xCFSix
· Thức ăn dặm đầu tiên của trẻ em Pháp là rau củ.
Nếu món ăn đầu tiên của bé là cháo gạo hay cháo ngũ cốc nhạt nhẽo có thể con cũng vẫn chấp nhận ăn, nhưng tại sao không bắt đầu bằng một cách hấp dẫn hơn? Các cha mẹ Pháp thường giới thiệu cho con các món ăn dặm đầu đời với thực phẩm đậm đặc hương vị và mùi thơm, như các món nghiền từ rau chân vịt, cà-rốt, bí ngò và các loại rau củ quả khác khi bé tiến đến mốc 6 tháng tuổi. Sau đó, cha mẹ tiếp tục chuyển đến trái cây, những phần thịt nhỏ và nhiều loại cá. Bằng việc giới thiệu rất nhiều loại thức ăn ngay từ ban đầu, cha mẹ đã giúp con thiết lập một mối quan hệ lâu dài (thậm chí đến trọn đời) với các hương vị thức ăn này, và hơn cả, họ dạy cho con về nghệ thuật ẩm thực: ăn để thưởng thức.
· Không tồn tại cái gọi là “Thức ăn dành riêng cho trẻ em”.
Đương nhiên bạn có thể tìm thấy nugget gà (gà băm viên lăn qua bột cà mỳ), nugget cá (cá băm viên lăn bột cả mỳ) hay pizza ở các siêu thị ở Pháp. Nhưng những thức ăn này là phần thưởng cho những dịp đặc biệt đối với trẻ em Pháp, chứ không phải là thức ăn hàng ngày. Cha mẹ Pháp hầu như không bao giờ chấp nhận con cái trở thành người kén ăn, lựa chọn thức ăn hay ăn độc món ngày ngày tháng tháng sống chỉ bằng mỳ hoặc cơm. Từ tuổi rất nhỏ, trẻ em hầu như ăn cùng bàn và cùng loại thức ăn với người lớn. Thậm chí thực đơn hàng tuần từ một nhà trẻ Paris không khác gì một bữa ăn thịnh soạn mà người lớn ăn ở một nhà hàng hạng trung trên phố: bữa ăn gồm 4 course, trong đó luôn có một món phô-mai thay đổi theo nhiều mùi vị khác nhau (Xem thêm về thực đơn hàng tuần ở nhà trẻ và cách chế biến từ trang 153 – Sách Cha mẹ Pháp không đầu hàng – Thái Hà Books)
· Chỉ một bữa phụ mỗi ngày
Tôi thường nghĩ rằng trẻ em có thể vui vẻ chơi từ bữa sáng đến tận bữa trưa mà không ăn một thứ gì dù chỉ một quả nho giữa các bữa là một điều không tưởng? Làm sao trẻ có thể ăn sáng và sau đó không ăn gì đến tận bữa trưa. Nhưng hoá ra điều đó là hoàn toàn có thể, thậm chí còn dễ chịu là khác. Thông thường, trẻ em Pháp chỉ ăn ở các bữa chính và có duy nhất một bữa phụ trong ngày được gọi là goute (thường diễn ra lúc 3h30-4h chiều).Nếu các con không được ăn ở giữa các bữa, hiển nhiên gần đến bữa ăn các con sẽ đói hơn, thậm chí rất đói và do đó trẻ sẽ ăn tốt tại bữa ăn. Và cái cảm giác không phải canh chừng từng cơ hội từ lớn đến nhỏ để nạp thức ăn vào người con thật dễ chịu làm sao. Cha mẹ và con cái có thể chuyên tâm làm việc khác, mà không phải lo lắng đến ăn uống hay dọn dẹp. Và khi gia đình bắt nhịp và áp dụng có hệ thống thói quen ăn uống này, bữa phụ lại trở thành một bữa ăn đặc biệt mà các con chờ đợi mỗi ngày. Bữa phụ sẽ bao gồm hoa quả và một chút đồ ngọt, và thường sẽ có một chút sô-cô-la nữa. Một bữa xế điển hình cho trẻ em Pháp bao gồm một mẩu sô-cô-la đen kẹp trong một đoạn bánh mỳ – hay còn gọi là bánh mỳ kẹp sô-cô-la – ăn kèm với một cốc nước hoa quả.
· Đừng xử lý khủng hoảng bằng bánh kẹo
Không đánh lạc hướng con bằng bánh kẹo mỗi lần con mè nheo thực ra có cái lợi lâu dài của nó. Đầu tiên, cha mẹ không đầu hàng khi con cư xử không phải, nói một cách khác là cha mẹ không “thưởng” cho con mỗi lần con ăn vạ, do đó bé sẽ không tiếp tục hành động này để mong chờ kẹo ngọt tiếp tục đến. Hơn nữa là, cha mẹ đang dạy con rằng con không cần dùng ăn uống như một cách để xoa dịu cảm xúc khó chịu tinh thần. Với thói quen này, con gái bạn không dùng ăn vô tội vạ mỗi khi buồn giận dỗi, con sẽ thực sự cảm ơn bạn khi con tròn 30 mà vẫn có thể mặc vừa chiếc quần thời chưa đến đôi mươi. (Vâng, ai cũng biết những biến động tình cảm của tuổi đôi mươi, và sự thay đổi dáng vóc người con gái sau mỗi lần biến động này, ít nhất là ở các nước phương Tây).
· Cha mẹ là chủ của chiếc tủ lạnh
Trẻ em Pháp thường không được phép tự mở tủ lạnh và ăn bất cứ thứ gì hay vào bất cứ khi nào con thích. Con sẽ phải hỏi xin phép cha mẹ trước. Điều này không nhưng làm giảm hiểm hoạ ăn vặt giữa bữa, và chiến tranh trong các bữa chính mà mặt khác cha mẹ còn hạn chế tối đa sự bừa bộn, lộn xộn và các vết bẩn quanh nhà. (Khi được sự đồng ý, cha mẹ sẽ “phục vụ” con món con muốn tại bàn ăn. Con sẽ ăn khi ngồi một chỗ, không chạy lung tung. Đó là thói quen ăn uống cơ bản của người Pháp).
· Hãy cho con đóng vai trò “phụ bếp”
Cô bé người Pháp, hàng xóm của gia đình tôi, mới được 5 tuổi và hàng ngày giúp mẹ làm bếp. Em đong đo và pha trộn dầu, dấm, mù-tạt và muối để làm nước sốt trộn salad trong khi mẹ bé bận bịu nấu món chính. Và không phải ngẫu nhiên mà cô bé lại thích ăn salad nhường vậy. Khi con tham gia vào công việc nấu nướng, con sẽ có hứng thú và quan tâm đến các món ăn hơn. (Bạn cứ nghĩ mà xem, ai cũng vậy, chúng ta đều thích thú khi mọi người thưởng thức món ăn hay bữa cơm do chính tay mình nấu).Tôi đã chứng kiến một em bé Pháp, chỉ mới 2 tuổi ngồi bên bàn nấu ăn và nhặt rau chân vịt. Bé 3 tuổi có thể học cách gọt dưa chuột, cắt cà chua hay thậm chí trộn các nguyên liệu để làm bánh crepe (một loại bánh rán mỏng với thành phần rất đơn giản gồm bột, dầu, trứng và sữa). Cha mẹ giám sát con làm bếp và không ngần ngại hay cảm thấy phiền với một chút lộn xộn bữa bãi hay công việc dọn dẹp sau đó. Hơn thế nữa, cha mẹ coi quãng thời gian cùng làm bếp chung là thời gian kết nối với bé. Cha mẹ truyện trò hỏi han về một ngày ở trường của bé trong khi cùng con bóc trứng chuẩn bị bữa ăn chung: không có sự gắn kết nào có thể bình đẳng và thân mật hơn thế!Và khi việc nấu nướng đã xong xuôi, hãy làm như người Pháp: cả gia đình quây quần ăn chung với nhau quanh bàn, với chiếc ti-vi tắt ngóm.
· Hãy dọn bữa ăn theo từng món, rau củ ăn trước.
Bữa ăn gia đình không nhất thiết phải quá cầu kỳ. Không cần thiết phải có ánh nến lung linh hay khăn ăn trắng muốt. Cha mẹ đưa ra món rau củ ngay từ đầu bữa. Nếu các con không ăn vặt trong ngày, con sẽ đói ngay khi ngồi vào bàn ăn, do đó con dễ chấp nhận và sẽ ăn những gì được phục vụ trước mặt. (Nhiều cha mẹ áp dụng chiến lược này vào bữa sáng: phục vụ hoa quả đầu tiên vào buổi sáng cho con). Món rau ăn khai vị này không cần thiết phải quá rắc rối hay trang trí tỉ mỉ. Món này có thể là một bát đậu tây sống, đậu Hà Lan luộc, cà chua bị cắt nhỏ phủ lên trên bằng một chút dầu oliu và dấm balsamic hay đơn giản chỉ mà một nằm lơ xanh xào. Đặt phần ăn trước mặt con, và chờ đợi, không hô hào không mua chuộc. Sau khi ăn xong khai vị bằng rau củ, cha mẹ tiếp tục dọn món chính và cuối cùng là món tráng miệng.* Ở phương tây, dù ở nhà hàng hay ở nhà, các bữa ăn thường được soạn theo loạt món: khai vị (entre), món chính (main course) và món tráng miệng (dessert). Chủ nhà (hoặc cha mẹ) sẽ soạn và đưa ra theo loạt. Khi ăn xong loạt món này, họ sẽ cất lại vào bếp và đưa ra loạt món mới. Tuy nhiên các nước Anh Mỹ thì họ ăn nhiều món ăn trong một loạt món, hoặc dọn chung món khai vị và món chính trên một bàn. Món tráng miệng thường được phục vị riêng, sau khi ăn món chính.
Pháp là nước điển hình trong việc thực hiện ăn theo món (course). Trung bình một bữa ăn tối ở Pháp gồm 4-6 course (loạt món) và bữa ăn có thể kéo dài 1-2h, có thể lâu hơn nếu ở các dịp đặc biệt. Giữa các loạt món, khi chủ nhà cất món cũ và dọn món mới, mọi người đều chờ đợi và trò chuyện cùng nhau.Trẻ em Pháp được biết đến là những đứa trẻ có khả năng ngồi ăn từ đầu đến cuối bữa ăn dài mà không gây sự cũng như không cần vật tiêu khiển. Nhà hàng Pháp nổi tiếng là khách hàng phải chờ đợi rất lâu mới được phục vụ, tối thiểu là 30 phút, thậm chí lâu hơn. Trong quá trình chờ đợi, trẻ em Pháp vẫn ngồi trên ghế bên bàn ăn, cùng gia đình. Để đọc thêm về kỹ năng giúp bé có sự kiên nhẫn này, đọc “Trẻ em Pháp không ném thức ăn”, sách của cùng tác giả Pamela Druckerman.
· Tất cả mọi người đều ăn các món như nhau.
Ở Pháp, trẻ con không được quyết định rằng con muốn ăn gì trong bữa tối. Không ai có sự lựa chọn món ăn riêng, và cha mẹ không nấu nướng theo nhu cầu của từng người. Gia đình chỉ có một bữa ăn, và bữa ăn đó là dành cho tất cả mọi người.Hãy thử ở gia đình bạn: khi con từ chối ăn một món nào đó, hãy cố gắng không phản ứng và giữ thái độ bình thản, có điều cha mẹ sẽ không mời con món khác để thay thế. Nếu bé thực sự rất kén ăn thì cha mẹ có thể bắt đầu việc cải cách này bằng việc nấu những bữa ăn mà con thích, nhưng mỗi ngày hãy thêm một món mới để kích thích sự hiếu kì của bé, từ đó bé sẽ có hứng thú trong việc trải nghiệm các món ẩm thực mới này.Dù gì đi chăng nữa, cha mẹ nên giữ thái độ bình tĩnh và chủ động. Hãy để “luật” mọi người ăn như nhau, không nấu nướng theo nhu cầu này có thời gian ngấm vào quan niệm và thói quen của con. Nên nhớ rằng cha mẹ đang công nhận sự trưởng thành của con bằng cách coi con như một người lớn và ăn bữa ăn như cha mẹ. Hãy kết hợp các qui định mới về ăn thức ăn của người lớn với một chút tự do, ví dụ như cha mẹ sẽ cho phép con cắt bánh hay cắt trứng, con sẽ tự chấm, con tự rải phô-mai lên mỳ như bất cứ một người lớn nào khác. Hãy cho con một chút tự do lựa chọn, ví dụ như con có quyền chọn ăn hoa quả nào cho món tráng miệng, hay con chọn thêm mứt hay mật ong vào hũ sữa chua của mình, hay con có thể chọn ăn bánh mỳ với bơ hay với mứt cho bữa sáng (và nếu có thể, hãy để bé tự quết bơ/mứt lên mẩu bánh mỳ của bé). Thậm chí khi ăn ở nhà hàng, trong khuôn khổ có thể chấp nhận được, cha mẹ có thể tạo điều kiện cho bé yêu cầu phần ăn cho riêng mình.
· Con chỉ cần nếm một miếng
Hầu hết mọi đứa trẻ đều thích món kem ngay từ lần chạm lưỡi đầu tiên (mặc dù con tôi có phàn nàn rằng kem quá lạnh). Tuy thế, có những món ăn khác cần phải có giai đoạn khởi động: ăn thử nhiều lần mới thấy thích. Đôi khi chỉ vì sự mới mẻ của món ăn đã làm con sợ và lùi bước. Và chỉ có một cách duy nhất là nếm thử và ăn nhiều lần con mới có thể bắt đầu thích các món ăn. Nguyên tắc nền tảng quan trọng trong cách người Pháp cho con ăn đó là: bất cứ món ăn gì có trên bàn, con phải nếm dù chỉ 1 miếng. Đương nhiên chắc hẳn ở Pháp cũng có những gia đình không tuân thủ nguyên tắc trên đến từng li từng tí, nhưng trên dưới chục năm sống ở Pháp, tôi vẫn chưa tìm thấy gia đình đó.Hãy giới thiệu về nguyên tắc chỉ cần nếm này ở gia đình như một lẽ tự nhiên mà không có sự lựa chọn nào khác, như thể đó là lực hút trái đất vậy. Hãy giải thích cho con rằng khẩu vị của chúng ta được hình thành bởi việc nếm nhiều vị của đa dạng các loại thức ăn. Nếu con ngần ngại và chần chừ trước một món ăn mới, hãy cho con một chút thời gian để con lấy đủ dũng khí, và chỉ cần đưa thức ăn lên mũi ngửi mùi (thường sau đó trẻ tò mò con sẽ nếm). Một món mới trong một bữa ăn là đủ, và cha mẹ nên giới thiệu món này song song với những thức ăn khác mà con thích (mặc dù vậy, cha mẹ được khuyên là cho ít dần lượng thức ăn con thích để con đủ đói và có đà thử món mới).Hãy thực hiện qui trình này một cách nhẹ nhàng, tránh tình trạng tạo sức ép như cai ngục. Cha mẹ cần bình tĩnh và đôi khi một chút hóm hỉnh trong bữa ăn. Và khi con cắn một miếng từ món ăn mới, hãy công nhận điều đó. Ngược lại, khi con nói rằng con không thích, cha mẹ cần tỏ thái độ bình thản. Không mời món thay thế. Nên nhớ, chúng ta đang thực hiện một chiến lược lâu dài, cha mẹ không muốn con miễng cưỡng ăn một miếng rau trong sức ép mà ngược lại mục đích hướng đến lại là để con từ tự học và thích ăn món rau đó.
· Đừng bỏ quên những món “khó nhằn”
Con bạn có thể ít thích thú hơn với một số món có lợi cho sức khoẻ, ví dụ như lơ xanh, điều này không có nghĩa là cha mẹ nên loại bỏ hoàn toàn sự có mặt của món ăn này trong bữa ăn gia đình. Ngược lại, hãy nấu thường xuyên hơn và mỗi lần chế biến một khác: cho lơ xanh vào canh hay súp, lơ xanh phủ phô-mai hay món lơ xanh xào. Có thể thực phẩm này sẽ chẳng bao giờ là món ăn ưa thích của bé nhà bạn, nhưng cứ thêm mỗi lần bé nếm các món ăn có chứa lơ xanh bé lại càng tiến gần đến việc chấp nhận sự tồn tại của thực phẩm đó. Và sau đó con sẽ coi các bữa ăn có món lơ xanh là một điều hết sức bình thường. Khi mà con đã chấp nhận một thực phẩm mới, cha mẹ đừng quên nhắc lại món này vài tuần một lần. Đương nhiên cha mẹ cũng cần hiểu rằng con sẽ không bao giờ thích tất cả các món ăn, nhưng ít nhất khi con nếm thử đó là khi con cho mình cơ hội để biết thêm một điều mới mẻ.
· Cha mẹ quyết định ăn gì, con quyết định ăn bao nhiêu.
Con cần biết, hoặc cần học để biết khi nào mình ăn no. Hãy cho con những phần ăn nhỏ, và đừng tạo sức ép con phải ăn hết sạch những gì cha mẹ mời. Hãy chờ đợi con hỏi xin thêm thức ăn, chứ đừng chủ động đặt thêm thức ăn cho con. Nhưng nếu con xin đến bát cơm hay bát mỳ lần thứ 3, hãy chủ động cho con ngừng và thay vào đó mời con ăn sữa chua hoặc phô-mai*.Cũng cần ghi nhớ rằng mục tiêu cuối cùng của ăn uống khoa học không chỉ dừng lại ở việc nhồi nhét được nhiều nhất có thể nguồn năng lượng và chất dinh dưỡng vào người con trong mỗi bữa ăn, mà đó là hướng dẫn con trở thành một cá thể độc lập, phát triển sự yêu thích ẩm thực và việc ăn uống một cách dễ chịu, đồng thời theo sát với nhu cầu và khẩu vị của chính bản thân mình. Nếu con ăn ít ở bữa ăn này, con sẽ tự điều chỉnh và ăn bù ở bữa ăn sau. Nếu con không được cho ăn vặt, con sẽ tự điều chỉnh và học cách ăn no ở các bữa chính.* Mục tiêu của cha mẹ Pháp là ăn uống cân bằng. Kiến thức thường thức trên hầu hết các nhãn hàng thực phẩm, thậm chí trên quảng cáo TV là “ Equilibrez – Variez – Bougez”: Ăn cân bằng – Ăn đa dạng – Hoạt động thể chất. Và chương trình sức khoẻ quốc gia của Pháp yêu cầu mọi quảng cáo thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng và giáo dục tại trường học về ăn để khoẻ có nhấn mạnh đến thông điệp: Ăn 5 phần rau củ hoặc quả mỗi ngày và tăng cường hoạt động thể chất. Không ăn nhiều chất béo và không ăn mặn.Ở trường hợp trên, khi con có xu hướng ăn lệch quá nhiều, khẩu phần ăn chỉ có cơm – mỳ tức là chỉ có tinh bột, cha mẹ chủ động hướng thực đơn sang hướng khác giúp cân bằng và đa dạng bữa ăn của con.
· Đa dạng, đa dạng nữa, đa dạng mãi
Người Pháp thực sự thích làm mới và đa dạng hoá. Họ cho trẻ em ăn đa dạng nhiều loại thức ăn, được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Họ cũng hướng tới cho trẻ em ăn các thực phẩm có nhiều màu sắc, mùi vị và độ lỏng đặc khác nhau. Điều này thực tế mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ:- Trẻ nhận được rất nhiều nguồn chất dinh dưỡng từ nhiều nguồn khác nhau, do đó việc duy trì một chế độ ăn cân bằng trở nên dễ dàng hơn.- Con quen ăn đa dạng sẽ làm bữa ăn trở nên thanh bình hơn. Khi con có thói quen ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, con sẽ không nhảy dựng lên khi thấy cọng hành hay một món rau mới nổi lên trên bát canh của mình.- Tăng khả năng hoà nhập của cả gia đình. Cha mẹ có thể đưa con đi cùng và ăn ở bất cứ đâu, bất cứ nhà hàng nào vì chắc chăn con sẽ tìm được thứ mà con thích ăn. Cha mẹ cũng không phải liên tục xin lỗi chủ nhà mỗi khi được mời đi ăn tiệc vì con chỉ biết ăn độc món cơm trắng – mỳ không gia vị nữa; con có thế và có khả năng thích ứng ăn được các món tại các bữa tiệc liên hoan này. Bằng cách cho con ăn uống đa dạng hàng ngày tại gia đình, cha mẹ đã xây dựng cho bé khả năng linh hoạt có thể thích ứng với mọi tình huống mà không gặp rắc rối, ít nhất là ở khoản ăn uống.- Chính con cũng cảm thấy dễ chịu hơn. Thế giới ẩm thực của con luôn được rộng mở và thăng hoa khi con dễ dàng chấp nhận và thực sự khám phá những mùi hương, hương vị và cấu trúc mới của thức ăn.- Nó thể hiện sự tin tưởng của người lớn vào con. Khi cha mẹ cư xử với con như một nhà ẩm thực đầy phiêu lưu và sẵn sàng khám phá, không sớm thì muộn con cũng tự hoá thân thành những gì cha mẹ kỳ vọng. Ngược lại khi cha mẹ tin và hành động như thể con là một em bé mỏng manh, dễ vỡ với thực đơn đặc biệt chỉ độc vài món nhỏ nhoi, thì con sẽ hoá thân thành đúng đứa trẻ kén ăn mà chính cha mẹ kỳ vọng từ bé.
· Trẻ em Pháp chỉ uống nước lọc
Ở Pháp, nước lọc là thức uống không đổi cho cả người lớn và trẻ nhỏ trong bữa ăn gia đình: bữa trưa, bữa tối và bất cứ một thời điểm nào khác trong ngày*. Cha mẹ không phục vụ các món đồ uống, họ chị đặt một bình nước trắng lên giữa bàn ăn và đó là thức uống duy nhất trong bữa cho cả nhà. (Điều này nhanh chóng trở thành thói quen và không ai phàn nàn về nó nữa). Nước hoa quả có thể được phục vụ vào bữa sáng hoặc thỉnh thoảng vào bữa ăn phụ buổi chiều. Các thức uống nhiều đường thì chỉ được xuất hiện trong các dịp đặc biệt như các bữa tiệc. Chỉ có vậy, chấm hết, không bàn cãi gì thêm. Chúc sức khoẻ!* Các nước phương tây có thói quen vừa ăn vừa uống trong bữa ăn. Trẻ em ở các nước Anh Mỹ thường yêu cầu cha mẹ có đồ uống riêng, tuỳ theo từng gia đình mà đồ uống có thể là nước lọc, nước lọc có ga, nước hoa quả, nước ngọt có ga, sữa, smoothie và đôi khi cả một số loại mocktail hoa quả.Với người Pháp, đồ uống tại bữa ăn chính là nước lọc. Thậm chí điều này áp dụng ở cả nhà hàng, bồi bàn tự động đặt bình nước lọc miễn phí giữa bàn.
· Trình bày là rất quan trọng
Ai cũng thấy có hứng thú ăn khi các món ăn được trình bày đẹp mắt. Ở các nhà hàng ở Paris, thời gian và công sức để trình bày đẹp mắt cũng gần bằng công sức dành để chọn lựa thực phẩm, chế biến và nấu nướng. Điều này cũng áp dụng với nấu ăn ở nhà. Thậm chí với các món gọi ngoài hàng mang về nhà, cha mẹ đừng quên đặt ra bát đĩa đàng hoàng. Tô màu cho các món ăn đơn sắc bằng một vài quả cà chua bi cắt nhỏ hay một chút cà rốt nạo. Hãy tuyển dụng các con vào nhiệm vụ sắp xếp rau củ nhiều màu sắc lên đĩa, và cho con cơ hội trang trí nghệ thuật cho món ăn, hay tự nhặt các thực phẩm cho chiếc bánh mỳ kẹp thịt của chính bản thân bé. Từ 2-3 tuổi, trẻ em Pháp thay vì dùng đồ nhựa, các con được sử dụng bát đĩa sứ và cốc thuỷ tinh như người lớn. Điều này thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng không phân biệt trên bàn ăn*, và cũng làm cho bàn ăn đẹp và đồng bộ hơn.* Người Pháp rất quan trọng về bình đẳng, tuyên ngôn của họ là Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Điều này áp dụng cho cả trẻ em. Việc con được bình đẳng ăn cùng loại bát đĩa ăn trong gia đình đến việc được hỏi ý kiến với các vấn đề liên quan đến trẻ, đây là những chi tiết rất nhỏ nhưng giúp con cảm thấy được tôn trọng, xây dựng lòng tự tin và từ đó tâm lý con sẽ cảm thấy có động lực để không phụ lại sự tin tưởng đó.
· Hãy trò chuyện về thức ăn
Người Pháp nói rất nhiều về thức ăn. Điều đó phần nào thổi vào tâm hồn của những đứa trẻ rằng việc ăn uống không chỉ vì mục tiêu dinh dưỡng, đó còn là một khoái cảm của con người. Các chuyên gia giáo dưỡng trẻ em khuyên cha mẹ bỏ qua các tuyên bố của trẻ kiểu “con thích/con không thích” mà đi sâu vào hỏi trẻ những câu hỏi khám phá như sau: con nghĩ miếng táo này ngọt hay chua? Theo con thì cá nục với cá hồi ăn vị khác nhau như thế nào? Mẹ thích ăn rau muống hơn rau cải xong, còn con thì thế nào?Hãy mở đầu câu chuyện bằng việc nói về các món ăn. Chẳng may bánh cháy hay cá khê, hãy chia sẻ với gia đình như một câu chuyện đùa để quên đi và tiếp tục cuộc sống. Khi đi chợ hay đi siêu thị, hãy cho con có cơ hội dạo qua khu hàng rau và cho con cơ hội sờ, ngửi và chọn rau củ và trái cây. (Một bé trai con tôi rất thích “cưỡi” trên xe đẩy siêu thị, tay cầm bó hành to và tưởng tượng như một tráng sỹ cầm khiên).Hơn tất cả, hãy nói chuyện một cách thật tích cực về thức ăn. Nếu một ngày con hùng hồn tuyến bố, ‘con đã hết thích ăn lê!”, hãy bình tĩnh và hỏi một cách nhẹ nhàng xem con quyết định thích quả gì thay thế cho quả lê chưa?
· Luôn ghi nhớ về cân bằng dinh dưỡng như học thuộc lòng bàn tay của chính mình
Cha mẹ Pháp thường có thói quen ghi nhớ và áp dụng các mô hình dinh dưỡng để xác định con ăn gì vào các bữa mỗi ngày. Ví dụ: trẻ sẽ nạp hầu hết nhu cầu protein hàng ngày vào bữa trưa trong khi đó bữa tối sẽ chú trọng đến ăn các loại ngũ cốc và rau củ quả. Đồ ăn ngọt chỉ được phục vụ trong món tráng miệng của bữa trưa và bữa phụ buổi chiều. Món tráng miệng của buổi tối thường là sữa chua, phô mai và hoa quả. (“Những gì bạn ăn vào buổi tối sẽ tích trữ lại trông cơ thể đến hàng năm sau” – một mẹ Pháp giải thích với tôi*)* Với phụ nữ Pháp, việc ăn đủ dinh dưỡng mà không tăng cân là chìa khoá của việc thưởng thức ẩm thực mà không ảnh hưởng đến vóc dáng. Và các gia đình giáo dục con về mô hình thức ăn này từ còn rất nhỏ, để tạo thói quen từ khi con bắt đầu. Ví dụ món súp rau củ quả rất thường được phục vụ cho cả gia đình, từ người lớn đến trẻ nhỏ, vào bữa tối vì họ cho rằng ăn để đi ngủ không cần quá nhiều năng lượng nếu không bữa tối sẽ tích tụ thành chất béo dưới da, và rằng ăn uống nhẹ bụng sẽ dễ ngủ hơn.
· Bữa tối không phải là cuộc chiến
Một nhà dinh dưỡng học người Pháp có nói rằng, lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể dành cho các bậc phụ huynh đó là đừng để con thấy cha mẹ mong muốn mãnh liệt đến nhường nào về việc ăn uống của con, nhất là việc ăn rau củ. Đừng tỏ thái độ tuyệt vọng. Những cũng đừng ngợi ca hay cổ vũ thái quá. Hãy bình tĩnh và tỏ ra không quan tâm. Đĩa đậu Hà-Lan xào mẹ vừa đặt lên bàn không có gì kém hấp dẫn hơn các món khác. Giọng điệu mà cha mẹ nói với con trong bữa ăn là vui vẻ nhưng hãy tỏ ra thờ ơ với việc con có ăn hay không. Con ăn hay con không ăn không làm thay đổi thái độ của cha mẹ. Đơn giản, hãy giữ bình tĩnh với tâm trạng vui vẻ và tích cực bên bàn ăn, về các món ăn. Hãy cho con biết rằng giờ ăn là thời khắc mà tất cả mọi người ở bên nhau cùng thưởng thức sự đầm ấm và vui vẻ trọn vẹn của gia đình.
· Ăn sô-cô-la
Người Pháp không coi sô-cô-la như một yếu điểm để mua chuộc con và ngược lại họ cũng không cố thuyết phục con là những món kẹo ngọt là không tồn tại và cần phải tránh, bởi cả 2 điều này sẽ có xu hướng phản tác dụng một khi con đủ lớn và có thể tự mình tiếp cận đến nguồn kẹo bánh này. Thay vào đó, người Pháp dùng sô-cô-la như một món ăn để thưởng thức và cần được tiêu thụ một cách có kiểm soát. Trẻ em Pháp ăn những phần nhỏ sô-cô-la hay bánh qui có kèm sô-cô-la tương đối thường xuyên. Các con còn có thể được ăn bánh ngọt vào các bữa phụ buổi chiều của những ngày cuối tuần, có điều phần bánh là rất nhỏ. Vào những dịp đặc biệt hay những bữa tiệc, các ngày lễ tết, cha mẹ thường cho con ăn bánh kẹo một cách không giới hạn. Chúng ta, cả người lớn lẫn trẻ em đôi khi cũng cần được xả hơn khỏi những giới hạn và luật lệ gò bó hàng ngày.
· Duy trì những bữa ăn ngắn và dễ chịu.
Bữa tối không phải là một nhà tù giam lỏng*. Đừng quá kỳ vọng những em bé có thể ngồi yên một chỗ bên bàn ăn quá 20 đến 30 phút. Hãy dạy con xin phép trước khi rời khỏi bàn ăn. Và khi con xin dừng bữa, hãy trả lại tự do cho con, cho phép con rời khỏi bàn. Khi con lớn hơn, con có thể ngồi bên bàn ăn cùng gia đình lâu hơn và cuối cùng là ngồi đến hết bữa ăn như một người lớn.Khi đi ăn nhà hàng, việc rời khỏi bàn ăn đương nhiên là điều không thể. Hãy lên kế hoạch tỉ mỉ để đảm bảo khi đến nhà hàng con đủ đói nhưng không quá mệt. Khi mệt, trẻ thường có xu hướng tăng động hoặc quấy khóc, hoặc không có khả năng tập trung để ngồi một chỗ và mất khả năng kiểm soát bản thân. Hãy mang théo một ít sách hoặc giấy và bút màu. Trước khi vào nhà hàng hãy giải thích với con rằng đến đây sẽ có một luật đặc biệt, đó là con có quyền chọn ăn món con thích. Nhắc nhở con giữ tư thế ngoan (“sage”)_ bình tĩnh và có thể kiểm soát được bản thân. (Không giống như cha mẹ Anh Mỹ khuyên con “be good”_ngoan, “sage” trong tiếng pháp thể hiện sự thông thái đĩnh đạm và khả năng kiểm soát bản thân).
-3 Các bình luận-
Bác Hà ơi, trong bài trên mục “Không có thực đơn riêng cho trẻ nhỏ” bác có viết “…. Xem thực đơn….ở trang 153” . Trang 153 là trong cuốn nào thế ạ? Em tìm trong 2 cuốn ADKPLCC và KLBA DDCB đều k có ạ.
Mong tin bác.
Cuốn Cha mẹ Pháp không đầu hàng mom ơi!
cảm ơn bác ạ!