LÀM MẸ cần BẢN NĂNG hay BẢN LĨNH?
Một trong những lý do chính đưa đẩy những người phụ nữ bước vào con đường trở thành mộn lè là bởi vì họ quá hiền thục nhẹ nhàng mong manh long lanh như ánh sương mai, hay nói nôm na là quá nhu nhược.
Họ muốn dạy con thật nghiêm khắc nhưng sợ sự nuông chiều của ông bà. Ông bà lâu thật lâu mới có cháu, chiều chuộng chút cũng bình thường thôi mà, mình ngăn cấm thì có kỳ cục quá hay không?
Họ muốn cho con vào nề nếp nhưng ngại ngùng với tình cảm của người thân. Họ hàng xung quanh khó khăn lắm mới tới thăm một lần. Hay thậm chí là bố nó, cả ngày đi làm cực nhọc đến tối 7h về tới nhà con đã ngủ đêm mất, rồi ngủ một mạch đến tận sáng mai – khi bố lại sắp phải đi làm, mình có nên cho con ngủ muộn đi một tí, có nên gọi con dậy chào bố hay không? Mình cứng nhắc quá liệu có tốt hay không? Có làm xa cách tình cha con/ tình ông bà cháu/ tình thân bằng quyến thuộc hay chăng?
Tất cả những băn khoăn này là hết sức bình thường, là một chuỗi những phản ứng tuần tự về tâm lý sẽ xảy ra trong đầu một người mẹ trong quá trình làm quen với con của họ. Nhưng cách mà họ trả lời cho những câu hỏi đó, xử lý những vấn đề đó, giải quyết những gút mắc đó, mới là cách họ trưởng thành – ồ, tôi đang dùng đúng từ đó nhé – tất cả chúng ta, những người mẹ, đều sẽ phải học cách trưởng thành lên, trong vai trò làm mẹ của chính mình.
Bản năng người mẹ luôn tồn tại trong mỗi người phụ nữ, là thứ ngăn cản họ trước những cuộc vui khi bé con đang cần mẹ, là thứ khuyến khích họ nhường nhịn chịu đựng những cảm xúc cá nhân của mình một tí để giữ môi trường ổn định thân thuộc cho con, là thứ ủi an họ trước những tủi hổ buồn bã do khủng hoảng mà hooc môn làm mẹ mang lại.
Bản năng làm mẹ, là một thứ tốt, nhưng phải được dùng đúng cách.
Hãy bỏ qua bài viết này nếu bạn nghĩ rằng bất kỳ ai cũng có thể làm mẹ mà không cần chuẩn bị một điều gì, bởi vì bạn không phù hợp với những gì được viết tiếp sau đây.
Tôi nghĩ rằng ngày nay, khi những tiêu chuẩn sống và hưởng thụ được nâng cao, thì thứ phải được nâng cấp đầu tiên là tư duy. Cách đây 20 năm, 40 năm, ông bà các bạn nửa chữ cắn đôi không biết, kế hoạch hoá gia đình là gì cũng không, vì vậy nên họ sống bản năng và cứ đẻ tự nhiên, trời sinh voi sinh cỏ. Chuyện đó không thể trách được gì.
Nhưng giữa thế kỷ 21 khi mà bạn đi máy bay như đi xe đò, dễ dàng nhìn mặt người đang ở cách bạn nửa vòng trái đất, dễ dàng thay đổi ngoại hình nhờ PTTM, dễ dàng đi học, dễ dàng kết hôn… tất cả mọi thứ đều dễ dàng hơn, thì bạn không thể dùng lại những quan niệm đạo đức của những người đi bộ cả cuộc đời, trên con đường tiến vào vũ trụ của bạn được nữa.
Để nuôi dạy một đứa con nên người, xin nhấn mạnh lại – trong hoàn cảnh, điều kiện hiện nay – bạn cần phải có rất nhiều thứ: có kinh tế ổn định để sẵn sàng cho những rủi ro; có thời gian để cùng con xây những viên gạch đầu tiên rèn luyện tính cách; có một người đồng hành tuyệt vời hỗ trợ cổ vũ bạn mọi lúc mà không phải chỉ biết cho tinh trùng; có sự kiên nhẫn trước những thói xấu của con, trước những lời phàn nàn ra vào của người xung quanh; có sự kiên định và tỉnh táo, sự dịu dàng và cứng rắn, mềm mỏng và quyết đoán, đó gọi chung là BẢN LĨNH LÀM MẸ. Cái mà những đứa con bạn cần nhất, cần hơn cả một người mẹ chỉ biết đến bản năng làm mẹ của mình.
Con mình là em bé đầu tiên trong dòng họ được nuôi dạy theo khoa học – theo một phương pháp hoàn toàn chưa được biết đến trong nhà. Sự xuất hiện của con sau hơn chục năm trời nhà chưa có một thế hệ kế tục được hưởng ứng và quan tâm nhiều như thế nào, thì sự phản đối và quan ngại của người xung quanh đối với cách nuôi dạy “khác biệt” cũng tỉ lệ thuận như thế đấy.
Mình đã phải “trải đá lót đường” và sinh hoạt tâm lý với người thân trong nhà rất nhiều, vì mình sống chung – với nhà chồng – nhà chồng rất-đông-người. Mỗi người mỗi tính, mỗi người mỗi ý, rối như tơ vò, nhưng việc bạn phải làm là gỡ từng sợi rồi chải ra thật suông, và BUỘC chúng lại theo cách bạn muốn.
Từ trước khi sinh con, mình đã hoàn thành xong việc “đóng đinh” về tâm lý đối với từng người, rằng: trong toàn bộ những sự kiện, sự việc, dù to hay nhỏ, dù gần hay xa, liên quan trực tiếp hay gián tiếp, ảnh hưởng ít hay nhiều đến con mình, thì quyết định của mình và bố nó sẽ là quyết định duy nhất và sau cùng. Và cũng không quên lưu ý rằng, bố mẹ em bé luôn cùng một chiến tuyến, nếu vắng mặt người này, thì người còn lại sẽ quyết định.
Đó là cơ sở, là nền móng vững chắc đầu tiên trên con đường “trưởng thành cùng con” của mình: khẳng định QUYỀN làm mẹ. Bố mình đã dạy “trách nhiệm đi đôi với quyền lợi”, con mình sinh ra, mọi sai sót lỗi lầm của nó đều là trách nhiệm của mình, vậy thì dạy dỗ nó là quyền lợi của mình, một quyền lợi hợp pháp và hợp tình hợp lý, không một ai có thể xâm phạm hay can thiệp.
Trong quá trình nuôi dạy con, đã rất nhiều lần mình bất hoà với người thân, họ hàng vì lối nuôi dạy. Bởi vì nó quá mới, quá khác, tất cả bọn họ đều không quen, chưa từng thấy, không thể hiểu nổi lý do tại sao mình làm vậy.
Tại sao đúng giờ mới cho bú. Con khóc kìa, cho bú đi chứ?
Tại sao tới giờ phải đi ngủ. Nó đang chơi vui mà, đâu có buồn ngủ đâu?
Tại sao đang ngủ lại gọi con dậy. Nó đang ngủ ngon mà, sao ko cho nó ngủ tới khi nó tự dậy?
Tại sao phải chơi tự lập? Tại sao lại phải cho nó chơi một mình? Sao không ôm ấp bế bồng?
Tại sao con khóc mà không dỗ dành ngay lập tức? Tại sao phải chờ?
Đến giai đoạn ăn dặm, thì lại thêm 1001 câu hỏi tại sao khác.
Tại sao không cho ăn cháo, tại sao không cho ăn bột? Sao lại cắt thức ăn to thế kia nó ăn vào bị hóc thì sao? Làm sao tiêu hoá được?
Tại sao không đút con ăn mà lại bắt con tự bốc? Có phải do mẹ lười hay không?
Tại sao không xay ra cho nhuyễn, sao không nêm tí đường tí muối tí mắm vào cho ngon, nhạt nhẽo thế này ai mà ăn được? Mày ăn được không mà bắt nó ăn?
Những ngày đầu luyện cho con tự ngủ, bao nhiêu lần con khóc chuyển giấc, con khóc mỗi lần bao nhiêu phút là ở ngoài cửa mình khóc bấy nhiêu, ở phòng bên cạnh, bà nội nó khóc bấy nhiêu.
Những ngày xây dựng lịch sinh hoạt cố định cho con theo từng độ tuổi, mình đã làm phật lòng biết bao nhiêu người họ hàng lặn lội đến thăm cháu sau 7h hay đến đòi gặp cháu khi cháu đang trong giờ ngủ trưa, ngủ ngày.
Để vượt qua tất cả những áp lực đó, chỉ một mình người mẹ là không bao giờ đủ (đó là lý do mình luôn phản đối làm single mom chủ động, bởi vì cho dù bạn có tài giỏi đến mức nào, hooc môn của bạn cũng không cho phép bạn trở thành một người cha), điều đó phải cần một kế hoạch, một lộ trình cụ thể được đặt ra bài bản và logic.
- Là vận động và thống nhất với người thân xung quanh
- Là vợ chồng bảo ban nhau cùng đoàn kết và cố gắng
- Là sự tinh tế, tâm lý và khéo léo khi ứng xử với mọi vấn đề
Tất cả những điều đó đều đảm bảo tới một mục đích cuối cùng: là làm sao để nuôi dạy con thật ngoan ngoãn, thông minh, nề nếp, phát triển ổn định, trở thành một mầm non tốt chứ không phải thành một ngọn cỏ dại.
Trẻ con rất thông minh và nhạy cảm, chúng cảm nhận được thái độ mà từng người mang lại cho chúng, qua đó trả lại một thái độ tương ứng cho họ.
Nếu bạn phạt chúng khi chúng làm sai điều gì, mà có bố hay ông bà bênh vực, chúng sẽ biết “điểm yếu” của bạn. Lần sau, chúng sẽ tìm đến bố và ông bà khi bị la.
Bạn tiến hành kỷ luật bàn ăn với con bằng cách ngưng bữa ăn lại, nhưng sau đó vì xót con vẫn cho bú thêm sữa, cho ăn bánh trái (hoặc nhờ người khác cho ăn) để chắc chắn là nó không đói, chúng sẽ biết rằng, bằng cách này hay cách khác, chúng sẽ luôn được cho ăn no. Vì vậy, hình phạt của bạn chẳng còn ý nghĩa gì cả.
Toàn là nguyên tắc, vậy con có được hưởng ngoại lệ hay không? Có chứ, nếu nó chỉ xuất hiện rất hiếm khi, và được thông báo, được làm rõ ngay từ đầu.
Khi nếp sinh hoạt và ăn uống của con đã cố định và ổn định, mình bắt đầu dẫn con đi chơi vào buổi chiều. Vì vậy bữa ăn chiều thay vì ngồi vào bàn và ăn nghiêm chỉnh, con sẽ được ăn vặt bằng bánh, phô mai, sữa chua, váng sữa… của con (mà mình mang theo). Bữa ăn này có thể được thực hiện trên ô tô (nếu di chuyển đường dài) hoặc ở nhà họ hàng, siêu thị, cafe… nơi mà con tới chơi.
Mình luôn báo trước với con rằng chiều nay con sẽ được đi chơi, vì vậy nhà mình sẽ ăn chiều ở ngoài. Hôm nay là ngoại lệ, và hôm nào con ở nhà, mình vẫn sinh hoạt như bình thường con nhé. Con mình luôn rất vui vẻ “hưởng thụ” ngoại lệ này, và kể cả những ngày không ngoại lệ, với con cũng là một ngày vui. Vui vì chúng ta đã luôn thống nhất và đồng hành cùng nhau trong mọi tình huống.
Có người hỏi tôi, lỡ đẻ con rồi thì sẽ trở thành cha mẹ thôi, chẳng lẽ thiên chức trời ban cho mình lại trở thành một gánh nặng đến vậy hay sao?
Bạn ơi, nó vốn là một gánh nặng mà. Kể cả ngày xưa bố mẹ chúng mình nuôi chúng mình tuỳ ý là thế, bạn thử hỏi họ xem có cực khổ hay không?
Nuôi dạy con chưa bao giờ là điều dễ dàng. Làm cha mẹ, là bạn phải chuẩn bị cho mọi tình huống sẽ có thể/ thậm chí rất-có-thể-là-không-thể xảy ra, xa hơn ít nhất 2 năm so với tuổi thật của con mình. Làm cha mẹ, là làm tùng làm bách, là làm mảnh sân sau rợp mát, là hậu phương vững chắc nâng đỡ con những bước đi đầu đời.
Tôi hay nói rằng làm vợ dễ lắm, bạn chỉ cần làm chính mình thôi, ai yêu được thì yêu. Nhưng làm mẹ thì không thế, bạn phải vừa là mẹ hiền vừa là cô giáo, vừa là người bảo bọc, vừa là người ngăn cấm, là người che chở, cũng là người biết buông tay khi cần, là người ôm ấp, cũng là người biết học cách “bỏ rơi”.
Tất cả mọi người mẹ tử tế trên đời này đều là siêu nhân hết đó, mà làm siêu nhân thì đâu có dễ dàng.
Nếu chính mình tự đứng còn không vững, bạn lấy năng lực gì bảo bọc cho một sinh linh?
Bạn không dạy được con mình, là vì bạn chưa đủ năng lực. Con bạn không sợ bạn, là vì nó biết rằng bạn “sợ” nó – theo cách mà một người mẹ không nên.
Mọi điều mình đã trải nghiệm, đã làm, đã chịu đựng, là để hướng tới cái gì cơ?
- Là một ngày đẹp trời con tự ngủ giấc đầu tiên sau 3 tuần khóc váng, mà không cần bế bồng, ru hời, đưa đẩy
- Là ngày con cai ti đêm, vượt REM sáng, ngủ thẳng 12h khi được 8 tuần
- Là lần đầu con học được cách chuyển giấc, ngủ trọn một giấc ngày
- Là ngày con hứng thú với việc chơi tự lập mà không cần có người lớn kè kè theo bên cạnh cả tiếng đồng hồ
- Là ngày con hoàn tất bữa ăn đầu đời của mình – bằng chính bàn tay nhỏ bé của con
- Là lần đầu dắt con đi ăn nhà hàng cùng gia đình, cô bé chưa tròn 9 tháng tuổi nhỏ xíu, ngồi trên cái ghế nhỏ xíu, bên cái dĩa đồ ăn nhỏ xíu, nhưng lại thành thục và điềm tĩnh ăn phần đồ ăn được phân cho mình, từng món từng món, gọn gàng sạch sẽ như một vị khách quý.Là tất cả khoảnh khắc trong đời con, lúc con cười, lúc con khóc, lúc con học được cách phân biệt hình dáng đồ vật, phân biệt được cha mẹ người thân, phân biệt được màu sắc. Hay cả khoảnh khắc con ốm nằm thiếp đi trong lòng mẹ, mẹ thả con xuống cũi, con mở mắt ra thảng thốn nhưng mẹ chỉ cần xoa đầu và nói “con ngoan, con ngủ đêm đi nhé, mẹ cũng phải đi ngủ bây giờ nè, sáng mai mẹ con mình gặp nhau nhé”, con lại cười tạm biệt và quay vào trong làm tròn giấc ngủ của mình.
Đây chỉ là một bài trải lòng thật dài, muốn nói rằng tất cả chúng ta, đừng ai chủ quan trong vai trò làm mẹ. Làm mẹ là điều phải học, không phải điều tự nhiên sẽ diễn ra tựa như nước chảy mây trôi. Nếu chưa đủ bản lĩnh cần có, xin đừng để bản năng lấn áp mà vội vàng sinh đẻ, điều đó sẽ để lại những hệ luỵ đáng buồn cho chính những đứa trẻ của chúng ta.
Cảm ơn và trân trọng tất cả những ông bố, bà mẹ, và những người sắp trở thành bố mẹ, đã đọc tới dòng chữ mà Linh cảm thấy chân thật và truyền cảm hứng nhất nhé.
Cảm ơn các bạn – dù sẽ hay là đang – trở thành một người mẹ bản lĩnh
*Giải thích từ “mộn lè”: một danh từ được Linh đặt ra để chỉ những người chưa đủ khả năng làm mẹ nhưng đã lỡ làm rồi, và không có động thái trở nên tốt hơn trong vai trò mới.
Đọc thêm các tâm sự của Linh tại đây
-0 Bình luận-