NHỮNG BỮA ĂN ĐÊM
Trong nhiều năm làm việc với các bậc cha mẹ, những băn khoăn về các bữa ăn đêm tưởng chừng như kéo dài bất tận. Một số cha mẹ sốt sắng muốn loại bỏ những bữa ăn trong ngái ngủ (cho người lớn) này càng sớm càng tốt, và phần lớn thì trì hoãn bởi nỗi sợ hãi con đói. Chúng ta cùng gỡ nút nhé.
Sóng bắt đầu từ gió, đêm bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa, từ khi chúng ta kết thúc trình tự đi ngủ đêm….
Hẳn tin này đến với nhiều người lần đầu làm cha làm mẹ như một bất ngờ thú vị: bé sơ sinh đi ngủ đêm từ rất sớm, con ngủ rất nhiều và một đêm của con dài những 11 tới 12 tiếng đồng hồ cơ!
Sướng nhỉ. Người lớn mà được ngủ 8 tiếng là đã thành tiên. Nhưng bạn có biết không, con đang cần ngủ rất nhiều vì khi ngủ là lúc con lớn, phát triển, ghi nhớ, và tạo dựng hệ miễn dịch đấy. Tất cả những điều này cơ thể con thực hiện ở chế độ tự động, khi con ngủ sâu, và chủ yếu là về đêm.
Như vậy: về cơ bản, một em bé đã được điều chỉnh ngày đêm sẽ có giấc đêm dài 11-12 tiếng. Và đêm được tính bắt đầu từ thời điểm mẹ kết thúc trình tự ngủ đêm và đặt con xuống cũi (đâu đó trong khoảng 6-8h tối). Và khoảng thời gian 12h sau đó, mẹ sẽ duy trì môi trường ngủ đêm cho bé, con sẽ được ăn – thay bỉm và dỗ ngủ lại trong điều kiện môi trường ngủ đêm: trong cũi + ảnh sáng yếu và tối + ít sự xáo động, tiếng nhạc hay giao tiếp. Ngày mới của bé sẽ bắt đầu vào giờ dậy tự nhiên của sáng hôm sau, đánh dấu sự kết thúc của giấc ngủ đêm.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ra sẽ đề cập đến ăn đêm, đó chính là những bữa ăn trong khoảng 12h tiếng đồng hồ này!
BỮA ĂN ĐÊM THÔNG THƯỜNG:
Đây là những lần bé dậy tự nhiên, cảm thấy đói và khóc đòi ăn.
Một em bé sơ sinh đã được học ăn hiệu quả có thể cứ 2-3 tiếng lại dậy một lần để đòi ăn về đêm, điều này là hoàn toàn bình thường. Điều này phù hợp với các chu kì ngủ ngắn của bé, và nhu cầu về năng lượng của con. Những em bé có khả năng phân biệt ngày đêm có thể ăn đêm và quay lại giấc ngủ ngay. Với các em bé biết tự ngủ thì còn đỉnh hơn nữa, đó là mẹ cho bé ăn rồi đặt bé vào cũi, và dù còn thức thì con có khả năng tự xoay xở để tự đưa mình vào giấc ngủ mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Đỉnh nhò?
Ở một thái cực khác, những em bé sơ sinh ngủ tốt có thể ngủ quên ăn. Với các em bé đã hồi phục cân nặng khi sinh, đã trên 3,5kg thì mẹ có thể để bé ngủ tối đa 4-6h về đêm, sau đó mẹ cần phải gọi con dậy để ăn, mẹ nhé! Với các bé cân nặng tốt hơn, nếu con không tỉnh giấc thì mẹ có thể để con ngủ giấc dài hơn. Trên lí thuyết của các nhà khoa học thì trên 5kg2 là con có thể thể chất để ngủ liền 12h mà không cần ăn rồi, tuy nhiên cũng cần đối mặt với một thực tế là không phải bé nào 5kg2 cũng có thể làm được điều này đâu mẹ nha…
Trung bình một em bé mới sinh sẽ ăn 8-12 bữa trong khoảng 24 giờ, trong đó sẽ có khoảng 2-4 bữa ăn về đêm. Sau 2 tuần, khi con hồi phục cân nặng khi sinh và được hướng dẫn học ăn hiệu quả, số bữa ăn đêm của bé sẽ giảm dần dù cân nặng của bé vẫn tăng trưởng ổn định, đây là một tín hiệu rất tốt!
Ăn đêm có phải vỗ ợ không? Ăn đêm mà vỗ ợ cho con thì mẹ hết cả đêm, khỏi ngủ luôn à?
Đây là một trong những băn khoăn của rất nhiều bậc cha mẹ, và Chũn cũng sẽ trả lời các bạn như mình đã trả lời bao nhiêu người đã hỏi trực tiếp Chũn: nếu con không khó chịu về đêm, giấc đêm vẫn có thể dài 2h, không nôn trớ và ậm ạch, điều này có nghĩa rằng bạn không cần vỗ ợ cho bé sau các bữa ăn đêm.
Ngược lại, nếu bạn không vỗ ợ và bé có biểu hiện khó chịu. Chân co về phía bụng kèm tiếng gầm ghè. Con nôn trớ. Hoặc con khóc mà mẹ thấy lưỡi con cong lên, tiếng khóc dữ dội. Đây đều là các tín hiệu của sự đau đớn, đầy hơi và chướng khí, lúc này thì không còn cách nào khác, mẹ hãy vỗ ợ cho con hiệu quả hơn sau các bữa ăn đêm mẹ ạ, vì suy cho cùng, nếu mẹ không vỗ ợ cho con thì mẹ cũng khó mà có thể ngủ được qua tiếng khóc và gầm gừ khó chịu này của con, mẹ ơi. Có khi không vỗ ợ một chút mà mẹ phải thức cả đêm giải quyết hậu quá ấy!
Ăn đêm có phải tháo quấn không, môi trường ăn ban đêm thì như thế nào?
Trình tự cho một bữa ăn đêm sẽ là: mẹ tháo quấn, thay bỉm cho bé (nếu cần), sau đó mẹ có thể quấn lại và cho bé ăn. Cách này khi ăn xong con sẽ thư giãn tuyệt đối, mẹ dễ dàng vỗ ợ cho bé và đặt bé ngủ mà không bước qua nhiều bước vần vò con.
Ngược lại, nếu bé có thói quen ăn xong mới ị vào ban đêm, thì mẹ vẫn cần thay cho bé trước khi quấn lại và đặt con xuống mẹ nhé. Về cơ bản, việc tháo quấn trước và trong khi ăn đêm là tùy ý mẹ và tùy theo thói quen của con, mà không có một công thức nào cứng nhắc cả!
Bi kịch cuộc đời: đang ăn đêm thì ị!
Rất nhiều em bé sơ sinh có phản xạ tiêu hóa vô điều kiện (gastrocolic reflex). Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể, khi tiếp nhận thức ăn thì các cơ quan đoàn thể trong bé sẽ đồng thời thực hiện tác nghiệp tống tiễn chất thải ra ngoài: con vừa ăn vừa ị.
Đây là một phản xạ tự nhiên, nghĩa là cả mẹ và con đều không thể kiểm soát được nó. Vì thế nếu con ị đêm sau khi ăn, mẹ chỉ còn cách thay bỉm, và quấn, thực hiện trình tự ngủ giúp con ngủ lại mà thôi. Ngược lại, các bé ị đêm nhưng không lập tức ngay sau một bữa ăn, thì có thể do ban ngày bé vận động chưa đủ. Lúc này mẹ cần thực hiện tummy time dài hơn cho bé, và massage kích thích tiêu hóa, giúp bé có thể theo tiếng gọi của tự nhiên và ban ngày mà ít dần việc đi ngoài về đêm.
Hiểu lầm về ăn đêm:
“Bé nhà em đã có thể ngủ xuyên đêm mà không cần ăn rồi, và cũng đủ cân để làm điều đó, nhưng các bà các mẹ cứ nói con phát triển về đêm nên cần cho bé ăn để lớn nhanh hơn”
Các bà và các mẹ đó đã nói có ý đúng: Bé phát triển nhanh nhất về đêm: khi con ngủ sâu, con phát triển cả về tinh thần, trí tuệ, khả năng ghi nhớ và thể chất. Cơ của bé được gây dựng khi bé ngủ. Xương của bé dài ra khi ngủ. Ngủ là lúc con nặng lên và dài ra!
Tuy nhiên nếu bé đã nạp đủ năng lượng vào ban ngày, thì năng lượng dữ trữ này sẽ giúp bé ngủ lâu, ngủ sâu về đêm. Thực tế ở nhiều bé lớn hơn, khi ăn làm hệ tiêu hóa bị khích hoạt và hoạt động trở lại mà không có thời gian nghỉ ngơi, dạ dày co bóp, cảm giác đầy hơi và chướng có thể diễn ra, bé tiêu tiểu là giấc ngủ bị gián đoạn. Chưa kể chu kì sinh học của người dựa rất nhiều vào khoảng cách giữa các bữa ăn và giấc ngủ, để cân bằng việc tiết hormone melatonin (giúp con ngủ ngon) và hormone tăng trưởng HGH (giúp con lớn lên). Việc tăng insulin trong máu có thể kìm hãm quá trình tiết các hormone này, cho nên ăn nhiều về đêm chưa chắc đã giúp con lớn nhanh hay ngủ ngon hơn, mà chắc chắn là làm mẹ thiếu ngủ hơn thôi. Hãy cho bé cơ hội ngủ ngon, trong khả năng bé có thể, và theo đúng nhu cầu của chính bé, mẹ nhé!
Hay là mình nghỉ mấy cái bữa đêm này đi nhỉ? Bao giờ có thể bỏ được kèo ăn đêm này?
Những lời khuyên thông thường trên mạng sẽ nói với bạn là từ khoảng 4-6 tháng, con sẽ không cần ăn đêm. Tuy nhiên rất nhiều bé đã và đang bỏ ăn đêm sớm hơn rất nhiều so với mốc 4 tháng, và cũng có rất nhiều em bé đến tận 3-4 tuổi vẫn còn bú đêm. Chìa khóa của việc cắt ăn đêm lại lại là một biến số rất khó định đoán chính xác được.
Một số điểm lưu ý khi bé ngừng ăn đêm:
- Nếu bé trên 6kg, và tự ngừng ăn đêm thì mẹ có thể yên tâm trùm chăn ngủ.
- Nếu bé trên 6kg, con vẫn đòi ăn đêm nhưng ban ngày con ăn rất ít, không có phản xạ đòi ăn và thậm chí nhiều bé sợ ăn vào ban ngày. Đó là lúc cần giảm bớt ăn đêm để chuyển dịch cơn đói và nhu cầu nạp chất dinh dưỡng vào ban ngày.
- Nếu bé trên 6kg, ăn ngày và đêm đều ổn nhưng ăn đêm xong ậm ọe khó ngủ, tiêu tiểu nhiều. Lúc này các phản ứng tiêu hóa của cơ thể tác động và làm phiền giấc ngủ của bé, mẹ có thể cân nhắc để gộp các bữa thành ít bữa đêm hơn, hoặc bỏ hẳn. Nên nhớ, chu kì sinh học của người (circadian rhythm) được tạo nên không chỉ bởi ánh sáng mặt trời mà còn thông qua các lần nạp năng lượng và phản ứng tiêu hóa của cơ thể nữa đó, nhiều bé ăn quá nhiều về đêm sẽ có hiện tượng lẫn lộn ngày đêm, và rối loạn nhịp sinh học. Mẹ cần quan sát và ghi chép để có quyết định sáng suốt nhất về việc ăn đêm của con.
Giảm ăn đêm thế nào?
- Nếu một em bé trên 8 tuần rồi mà con vẫn ăn nhiều bữa trong đêm, biểu đồ tăng trưởng cho thấy con phát triển ổn thì mẹ có thể giảm số lần ăn đêm bằng cách: mỗi lần bé dậy ăn, mẹ có thể trì hoãn bữa này bằng ti giả/vỗ con ngủ lại/ru hoặc nút chờ. Mỗi lần trì hoãn khoảng 30 phút và giúp con gộp 2 bữa ăn thành 1 bữa. Như vậy nhiều mẹ có thể giảm 4 bữa còn 2 bữa đêm, hoặc 3 bữa chỉ còn 1 bữa đêm trước khi con đủ điều kiện để cắt hẳn ăn đêm.
- Với các bé chỉ còn ít bữa ăn đêm, mẹ có thể giảm bằng cách cho bé dùng núm chậm nhất có thể, hoặc giảm thời gian cho bé bú trực tiếp. Những ngày đầu làm việc này, con sẽ có thể có đôi chút khó ngủ, nhưng mẹ kiên nhẫn chờ đợi sự chuyển dịch nhu cầu ăn về ban ngày, mẹ sẽ thấy con ăn nhiều hơn vào các bữa ngày và từ đó càng giảm dần các bữa đêm. Đây là cách giảm ăn đêm lâu nhưng ít nước mắt nhất.
Ngừng ăn đêm thì sao?
- Ngừng ăn đêm thì đơn giản là các bữa đêm sẽ không còn nữa. Nói thì đơn giản nhưng làm được điều này thì khó không kém gì thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh. Đầu tiên bạn cần kiểm tra xem nhịp độ phát triển của bé có đảm bảo, con có đủ cân nặng tối thiểu để có thể ngủ qua đêm, con không đau ốm gì và con đã có nếp sinh hoạt ăn-ngủ phù hợp với độ tuổi của bé. (Nhiều bé dậy đêm rất nhiều không phải vì đói, mà vì nhịp sinh hoạt không phù hợp với độ tuổi, nhưng con dậy là mẹ cho ăn nên ban ngày con cũng không đói và ngủ kém: tất cả dẫn đến rối loạn chu kì sinh hoạt của cả ngày đêm).
- Khi bé dậy về đêm, mẹ dùng nút chờ (có quan sát camera), hỗ trợ bé ngủ lại bằng vỗ, ru, hay 5S để bé có thể tìm lại giấc ngủ mà không cần ăn. Quá trình này trung bình diễn ra 7 ngày với bé nhỏ (dưới 6m) và có thể kéo dài tới 14 ngày với bé lớn (trên 1 tuổi), trước khi con có thể ngủ cả đêm mà con không cần ăn. Đương nhiên con sẽ dậy vì những lí do khác, nhưng lúc này mẹ cũng không cần cho bé ăn để bé ngủ lại nữa, mẹ nhé!
- Nghỉ ăn đêm quá sớm, khi chưa đủ cân, có nên không? Trên thực tế thì khi bé còn quá nhỏ, cân nặng chưa đảm bảo (dưới 6kg) thường là các bé đang ở trong giai đoạn 0-4 tháng. Đây là giai đoạn mà con phát triển nhanh nhất cả về lượng và chất, vì thế việc nap đủ dinh dưỡng mỗi ngày là một yếu tố tối quan trọng với con. Mẹ cần theo dõi và cân nhắc xem tổng lượng sữa bé ăn mỗi ngày và tốc độ tăng trưởng của bé sau những ngày mẹ “thử nghiệm” cắt đêm, nếu tốc độ tăng trưởng vẫn ổn hoặc lượng sữa tăng lên vượt bậc, lúc này quyết định cắt ăn đêm là hoàn toàn ở mẹ. Các BS và những chuyên gia đưa ra cân nặng tối thiểu chỉ để đề phòng những trường hợp cha mẹ quá hào hứng với việc cắt ăn đêm sớm mà có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của con mà thôi!
- Con có đủ các điều kiện và tiêu chí để có thể cai đêm rồi, nhưng mẹ thì chưa đủ động lực đến tiến tới, cai muộn quá có sao không? Điều này cũng không có gì mới, vì số đông các bé bú đêm đến tận ngoài 1 tuổi. Nếu bạn ở trong nhóm này, mẹ cần tự mình trả lời những câu hỏi cho chính bản thân: “Liệu con có biếng ăn/sợ ăn/mất phản xạ đòi ăn vào ban ngày do ăn đêm nhiều không?”, nếu bé không có biểu hiện chán ăn hay giảm lượng ăn về ban ngày và mẹ hạnh phúc với những bữa ăn đêm của bé, mẹ hoàn toàn có thể tiếp tục đến khi mẹ muốn. Với các bé đã mọc răng và uống sữa công thức, việc đánh răng sau các bữa ăn đêm là cần thiết cho sức khỏe nha khoa của bé, mẹ nhớ nha!
Lúc nào thì nên tạm hoãn cắt ăn đêm?
- Khi con ốm! Khi con ốm thì mẹ cần cho con ăn và ngủ theo nhu cầu của bé, kể cả ngày và đêm. Ít nhất 1 tuần sau khi bé khỏi ốm, ăn trả bữa và phục hồi hoàn toàn thì mẹ mới có thể quay lại với trình tự để giảm và cắt ăn đêm!
- Khi tăng trưởng của bé có tín hiệu đe dọa: Nếu 2 tuần sau khi cắt ăn đêm mà tổng lượng ăn trong ngày của bé không tăng lên, bé tiểu ít, nước tiểu màu đặc và có tín hiệu mất nước (mắt trũng sâu, môi khô, tiểu vàng sẫm) thì mẹ cần gọi bé dậy để cho bé ăn đêm, hoặc khi con dậy đêm thì mẹ tích cực cho bé ăn mẹ nhé.
- Khi bé ngấp nghé 6kg và đứng kênh. Với các bé dưới 4-6 tháng, tốc độ phát triển của bé là rất nhanh, nên nếu mẹ thấy con có tín hiệu chững cân kèm với tổng lượng dinh dưỡng mỗi ngày của bé không có tiến triển tích cực, mẹ sẽ cần phải cho bé ăn đêm!
ĂN TRONG MƠ? HAY LÀ ĂN BẰNG MỘT GIẤC MƠ?
Ăn trong mơ – DREAMFEED – là một trong những giải pháp mà các bà mẹ hay tìm đến, để thực hiện các bữa ăn đêm của con. Dreamfeed được giới thiệu trong cuốn Đọc vị các vấn đề của trẻ (The Baby Whisperer solves all your problems): Cha mẹ sẽ cho bé ăn bữa này trước khi cha mẹ lên giường đi ngủ, như vậy để bé nạp năng lượng và không đói trong vòng 3 tiếng tiếp theo, tạo điều kiện cho mẹ có thể có một khoảng thời gian ngủ tương đối liền mạch (khoảng 3h) trước khi phải dậy cho con ăn đêm lần kế tiếp.
Cách làm:
- Con đang ngủ say và mẹ chủ động cho bé ăn bằng cách kích thích phản xạ gốc. Vì đây là một phản xạ tự nhiên và vô điều kiện, mẹ dùng đầu núm bình hoặc đầu ti chạm vào má, mép, môi trên là con tự động há miệng, ngậm núm và ăn hoàn toàn trong vô thức. Con sẽ vừa ăn, vừa ngủ, và hoàn toàn không nhận thức được việc mình ăn.
- Mẹ cho bé ăn khi con vẫn đang nằm trong cũi nếu con ăn DF bằng bình, hoặc có thể nhẹ nhàng bế con lên nếu mẹ cho ti trực tiếp, bé ngủ sâu và hoàn toàn không tỉnh dậy trong quá trình mẹ bế lên, cho con ăn và đặt con xuống.
- Vì ăn vô thức nên con sẽ bú rất chậm, nhịp đều đặn và sẽ rất ít khi nuốt phải hơi, do đó mẹ không cần ợ hơi cho bé sau khi ăn.
Khi nào?
- DreamFeed được khuyên cho ăn trước 11h30 đêm, vì đó là lúc mẹ đi ngủ.
- Dreamfeed được thực hiện sau tối thiểu 2h từ khi con đi ngủ đêm, điều này có nghĩa là nếu con bạn 10h mới ngủ thì bạn không nên dreamfeed vào lúc 11h30 nữa. Nguyên nhân là lúc thực hiện DF này, con chưa vào được chu kì ngủ sâu, mẹ tiếp tục cho ăn sẽ cắt nhỏ các chu kì ngủ của con, tác động mạnh đến chu kì này và có thể phản tác dụng, làm rối loạn giấc ngủ của bé.
- Tối thiểu 2h30 sau Clusterfeed. Nếu bạn cho con ăn tích lũy lúc 8h tối thì tối thiểu sau 10h30 bạn mới có thể thực hiện DREAMFEED được. Nguyên nhân cũng chính là sự chuyển dịch chu kì ngủ của bé ở phần đầu của đêm
- Nếu lần DF trước đó thất bại, có thể do bạn đã thử DF khi con đang ở chu kì ngủ sâu. Lúc này, bạn có thể chờ 15-20′ và thử lại, với hy vọng ở chu kì ngủ động, bé có thể đáp ứng các phản xạ tự nhiên và dễ dàng DF hơn.
Bao nhiêu?
- Lượng ăn của một DREAMFEED là cả một bữa ăn bình thường, vì thế các bữa thường ngày mẹ cho bé ăn bao nhiêu thì ở bữa này mẹ đong đúng ngần đó
- BÉ CHỈ ĂN DREAMFEED MỘT LẦN DUY NHẤT TRONG ĐÊM. Vì đây là bữa ăn giúp mẹ ngủ dài hơn nên mẹ sẽ không cần thiết phải đặt báo thức để dậy cho con ăn tiếp bữa nữa. Dreamfeed là bữa ăn không có ợ hơi, do đó ăn quá nhiều bữa ăn kiểu này có thể làm bé bị đầy chướng và dậy vì đau chứ không phải vì ĐÓI, lúc này mẹ sẽ thấy khó khăn hơn rất nhiều trong việc hỗ trợ con ngủ lại.
Lúc nào ăn trong mơ không hiệu quả?
- Nếu bé đã trên 4-6 tháng và phản xạ tự nhiên (phản xạ gốc, phản xạ bú mút) đã hoàn toàn biến mất. Điều này có nghĩa là dù bạn massage thế nào con cũng không há miệng nhận bình/núm ti, và kể cả khi bạn thành công trong việc đưa bình/núm vào miệng bé, phản xạ bú mút (sucking reflex) đã biến mất, nên bé hoàn toàn không mút, không bú, không nuốt. Khi đó Dreamfeed là không thể thực hiện được.
- Khi bé ăn đêm xong bị tỉnh giấc, khó ngủ lại hoặc trằn trọc 30′ sau bữa ăn này. Đây là tín hiệu DF đã can thiệp quá sâu và dịch chuyển chu kì ngủ của bé theo hướng xấu đi, cần dừng lại!
- Khi bé đang mất phản xạ đòi ăn và đang thực hiện lại các biện pháp liên quan đến khôi phục và khơi gợi con đói và phản xạ bú mút.
- Khi bé nôn trớ, nôn vòi rồng sau các bữa ăn. Các bé bị trào ngược dạ dày thì việc DREAMFEED có thể gây nhiều rắc rối hơn đem lại tác dụng tích cực.
- Bé dậy nhiều sau bữa Dreamfeed. Bé ăn đêm nhiều lần và lượng ăn ban ngày hạn chế, lúc này bữa ăn trong mơ không có tác dụng làm dài giấc ngủ mà có thể là xúc tác làm cho tình trạng lẫn lộn ngày đêm trầm trọng hơn, lúc này con không cần bữa Dreamfeed nữa.
- Bé ốm. Khi bé ốm thì việc tác động đến chu kì ăn ngủ của bé là việc cần hạn chế, mẹ chờ bé dậy và cho con ăn theo nhu cầu.
CLUSTERFEED, ĂN LIÊN TỤC CHO MIỆNG KHÔNG KỊP MỌC DA NON?
Clusterfeed còn được gọi là ăn tích lũy, đó là việc bé được cho ăn liên tục (theo nhu cầu) trong giai đoạn từ 5h chiều tới 8h30 tối. Đây là những lần ăn liên tục của bé, để chuẩn bị năng lượng cho một giấc ngủ đêm dài và liên tục (ít nhất là khoảng đầu tiên). Đây là một trong những bản năng của bé, đặc biệt ở các bé bắt đầu biết phân biệt ngày đêm.
Lúc nào?
- Giờ ăn tích lũy khá oái oăm là nó trùng hợp với giờ “quỉ ám”, giờ ma làm, hay witch-hour. Ở giai đoạn này bé quấy khóc nhiều, và sự mất cân bằng hormone lên tới đỉnh cao. Ánh sáng mặt trời ngừng chiếu, báo hiệu thời điểm cơ thể tiết melatonin… giai đoạn này bé quấy khóc liên tục, tuy nhiên sữa mẹ xuống khá chậm do đây cũng là thời điểm mẹ mệt nhất. Vì thế, nếu có thể, mẹ cho bé bú liên tục và kèm với những lần được ăn bằng bình.
Mẹ lưu ý vỗ ợ cho bé tốt trong cả ngày, và đặc biệt là sau các bữa ăn clusterfeed. - Một số bé gặp khó khăn trong việc chuyển tiếp chu kì đầu tiên khi vào giấc ngủ đêm: bé ngủ đêm chỉ được 30′ lại dậy khóc. Lúc này mẹ tiếp tục clusterfeed – cho bé ăn – và vỗ ợ kĩ sau đó đặt bé ngủ lại.
- Một số bé khi chuyển lịch sinh hoạt, cắt bỏ nap (ví dụ lên lịch 2-3-4) con có thể quá mệt và ăn tối không hiệu quả, nhưng chỉ ngủ 30′ lại dậy khóc. Lúc này chính là lúc để mẹ thực hiện clusterfeed đó!
Bao nhiêu?
Đây là câu hỏi mà rất nhiều mẹ băn khoăn. Những bữa ăn nhỏ và rải rác thế này có làm bé ăn vặt? Liệu bé ngủ đêm rồi dậy ăn để ngủ có làm kĩ năng mất tự ngủ của bé???
- Câu trả lời cho lượng ăn chính là kinh nghiệm của mẹ ở mỗi trường hợp cá biệt. Hầu hết các bé đều được khuyên cho ăn theo nhu cầu. Một số khác mẹ thực hiện cho bé ăn nữa bữa lúc 5h chiều, tắm lúc 6h chiều, ăn tiếp bữa vào giấc đêm ở 6h30 để đặt ngủ lúc 7h. Nếu 7h30 mẹ thấy bé tỉnh giấc và khó ngủ lại, mẹ clusterfeed một bữa nữa (theo nhu cầu) và vỗ ợ và đặt bé.
- Bé có thể có 2-4 bữa ăn cấp tập – clusterfeed – trong khoảng này. Mẹ nhớ nhé, chỉ duy nhất từ 5-8h30 chiều/tối. Do đó không làm con ăn vặt và không ảnh hưởng tới nếp ăn của con đâu.
- Về tự ngủ: nếu 80% số giấc trong ngày và đêm con có thể tự đưa mình vào giấc ngủ, điều này có nghĩa là tự ngủ đã trở thành kĩ năng và bản năng của bé, mẹ không phải lo lắng việc bé ngủ gật sau bữa Clusterfeed. Hãy hít sâu, thở đều và thư giãn, mẹ nhé!
Khi nào thì ngừng việc ăn cấp tập, clusterfeed?
- Khi clusterfeed xong bé nôn vòi rồng, khó ngủ lại
- Khi bé có biểu hiện sợ ăn, không muốn ăn, không có nhu cầu bú: mím chặt miệng, quay đầu, ưỡn người và khóc!
TÓM LẠI CÁI GÌ LÀ TỐT NHẤT NHỈ?
Bạn nghe đúng rồi đó, mọi con đường đều hướng tới mục đích là một giấc ngủ đêm cho con thật tốt. Đó là một giấc ngủ liền mạch và thời lượng đảm bảo (11-12h) với ít ngắt quãng nhất có thể.
Bởi ngủ là khi con lớn lên, con phát triển về mặt trí tuệ, tinh thần và thể chất. Con ngủ ngon thì bố mẹ mới ngủ con và gia đình mới êm ấm được. Vì thế mọi bữa ăn đêm: nhiều hay ít, cắt hay không… đều đến mục đích là bé được ngủ đủ về đêm mẹ nhé.
Xin nhắc lại:
Một giấc ngủ đêm tốt của bé, nền tảng của một sự phát triển ổn định chính là tín hiệu mẹ đang làm mọi điều đúng hướng, và mẹ không cần phải lo lắng hay thay đổi bất cứ một chi tiết nào!
-0 Bình luận-