Võng, không đơn giản như chúng ta tưởng?
Nhiều gia đình lầm tưởng rằng, việc được đung đưa trên võng, sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn khi bé nằm cũi hoặc nằm giường. Tuy nhiên, ít ai nhận biết được những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con, khi đặt bé nằm trên võng, nhất là lúc con ngủ.Trẻ em cần được đặt ngủ trên một bề mặt phẳng, cứng vừa phải trong tất cả các giấc ngủ, cả giấc ngày và giấc đêm.
Tất cả các bề mặt cong, lún, không đủ độ cứng, đều mang nguy cơ đột tử cho trẻ em và trẻ sơ sinh. Luôn nhớ rằng, trẻ sơ sinh ngủ 16-18 tiếng/ ngày. Bé sau 1 tuổi sẽ ngủ khoảng 14 tiếng/ ngày. Cha mẹ hãy đảm bảo cho con một môi trường an toàn và phù hợp cho con trong suốt khoảng thời gian đó nhé!
Sau đây là những nguyên nhân khiến Võng là sản phẩm đặc biệt KHÔNG được khuyên dùng cho trẻ dưới 3 tuổi và thận trọng sử dụng cho trẻ trên 3 tuổi (dưới sự giám sát chặt chẽ của người lớn và không cho trẻ nằm võng ngủ)
Nguy cơ SIDS (đột tử ở trẻ sơ sinh) tăng cao.
- Do cấu trúc bề mặt võng, cổ con sẽ gập chạm xuống phía ngực (chin to chest), gây khó thở. Điều này đặc biệt nguy hại tới các em bé sơ sinh chưa cứng cổ, chưa thể cử động được cổ.
Không chỉ võng, mà sô pha, hoặc các không gian chật hẹp và lún khác, cũng có nguy cơ tương đương.
- Trẻ sơ sinh nằm võng một mình rất nguy hiểm. Nhưng, để trẻ nằm cùng cha mẹ thì cũng nguy hiểm không kém. Nguy cơ trẻ bị ngạt thở do nằm chung với cha mẹ, cao hơn 40 lần so với khi trẻ nằm một mình trong cũi.
Ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xương
Trẻ sơ sinh được khuyến khích nằm trên bề mặt phẳng để đảm bảo cho sự phát triển của cột sống.
Bởi, xương của trẻ khi còn nhỏ rất mềm và chưa phát triển hoàn thiện, khi để trẻ ngủ trên võng một thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của xương. Về lâu dài, lưng trẻ có thể bị gù, bị vẹo cột sống hay biến dạng cơ,… Bề mặt cong của võng sẽ làm tăng độ cong sinh lý của cơ thể, khiến cho các dây thần kinh, dây chằng và khớp của cột sống trong tình trạng quá tải.
Các nguy cơ chủ quan:
Đây là các nguy cơ luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, nhưng vì chủ quan mà chúng ta lờ nó đi.
- Trẻ sơ sinh, thậm chí là trẻ lớn, và ngay cả người lớn; đều có khả năng bị ngã lộn cổ khỏi võng. Điều này càng dễ xảy ra, và cực nguy hiểm trong trường hợp trẻ nằm chung võng với người lớn. Các chấn thương này chủ yếu ở vùng đầu, gây tổn thương đến não.
- Võng buộc không chắc, tuột mối nối võng, anh chị lớn nghịch ngợm, hoặc chó mèo nuôi trong nhà chạy qua… đều là các nguyên nhân khách quan gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Kiểm định chất lượng sản phẩm.
- Trên thế giới, không có sản phẩm võng nào, được Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kì khuyên dùng, phục vụ cho mục đích ngủ của trẻ sơ sinh.Các sản phẩm võng, hầu hết không được kiểm chứng về độ an toàn cho trẻ sơ sinh trước khi được tung ra thị trường (nhất là các sản phẩm võng của Việt Nam). Thậm chí có những sản phẩm võng không đáp ứng được tiêu chuẩn thông thường, dễ gãy, sập, tuột mối đan bề mặt võng
- Với những em bé có da nhạy cảm hoặc viêm da cơ địa, chất liệu và loại màu nhuộm cho võng cũng có thể khiến da của bé bị dị ứng, nổi mẩn, ngứa ngáy.
Về an toàn ngủ, Hiệp hội Nhi khoa Mỹ đã khuyến nghị bảng tiêu chuẩn ngủ ABC như sau:
- A: ALONE
Con nên được ngủ một mình, trong không gian riêng, cho mọi giấc ngủ. Không gian này nên là cũi gỗ hoặc cũi vải.Nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh có nguy cơ tử vong cao hơn, nếu ngủ chung giường với bố mẹ.
- B: BACK
Trẻ sơ sinh chưa lật lẫy thành thạo, nên được đặt nằm ngửa, tránh các nguy cơ về ngạt đường thở. Tuyệt đối không chủ động đặt trẻ sơ sinh nằm sấp.
- C: CRIB
Môi trường ngủ an toàn là một chiếc cũi trống trơn (có đệm).
Bên trong cũi không để gấu bông, gối, chăn.. bởi sẽ luôn có nguy cơ gây ngạt cho trẻ.
Nếu trời lạnh, hãy quấn bé hoặc cho con dùng túi ngủ của những thương hiệu uy tín. Tuyệt đối đừng đắp những chiếc chăn lùng bùng cho con.
https://www.childrens.com/health-wellness/sids-and-your-baby
https://momlovesbest.com/baby-sleep-safety
Mẹ có thể đọc chùm bài về an toàn ngủ để thiết lập môi trường ngủ đảm bảo cho an toàn và sức khỏe của bé yêu nhé!
-0 Bình luận-