QUẤN – TI GIẢ – BỈM
Chia sẻ của chuyên gia Motessori về chăm sóc bé sơ sinh
Bữa ni rảnh rảnh nên tâm hự đôi điều về tam vấn đề trên =))
QUẤN:
Ngày xưa mình không dám dùng quấn, vì nghĩ (1) trẻ con đã ra đời là cần làm quen với môi trường, tiếng ồn, không gian, nên để con giật mình mấy bữa là quen (rốt cục là cũng chả quen, thi thoảng chân tay vẫn giương cả lên giời), và (2) sợ tay chân con bị bó thì ko phát triển được, mà lại biết trong lúc ngủ, trẻ con vẫn phát triển như vũ bão, ahihi
Thế nhưng mà, bây giờ thì đã hiểu vì sao mọi người hay bảo “quấn thần thánh” rồi ✌🏻
Từ 0-3 tháng thì quan trọng nhất là ăn và ngủ, không chỉ làm sao để ăn no, ngủ ngon, mà còn là giai đoạn vàng để học cách ăn no (biết thế nào là đói, phát biểu nhu cầu khi đói, làm sao để biết no, tự dừng bữa khi no…), và học cách ngủ ngon (tự mình chìm vào giấc ngủ, tự trấn an được bản thân để có thể ngủ tiếp mỗi khi chuyển giấc hay giật mình tỉnh dậy…).
Và quấn là 1 hỗ trợ siêu đắc lực cho việc học ngủ đó 👍
Dưới 3 tháng, các em bé không có khả năng kiểm soát được tay và chân. Thậm chí, trẻ còn chưa biết tay và chân là của mình, thuộc cơ thể mình.
Khi chân tay tự do khua khoắng không ngừng, trẻ vừa trở nên phấn khích quá (chứ ko phải mệt quá mà ngủ ngon được), vừa nghĩ rằng, tay chân như là các vật thể chuyển động của môi trường làm phiền mình và chơi với mình.
Như vậy, quấn bé vừa giúp tạo ra 1 môi trường ngoài bụng mẹ vẫn được ôm chặt (3 tháng đầu tiên còn được gọi là giai đoạn phôi thai tinh thần là vì thế, em bé vẫn cần 1 môi trường giống trong bụng mẹ được bao nhiêu sướng bấy nhiêu, ha ha), vừa giúp loại bỏ những tác nhân gây kích động cho trẻ.
Nhờ vậy, trẻ dễ dàng cảm thấy an toàn, dễ chịu và dễ đưa mình vào giấc ngủ (mà ko cần bế, rung, ru trên tay mẹ).
🔔 Lưu ý khi quấn: chỉ quấn bé khi nhiệt độ phòng trong khoảng 16-23 độ. Mà muốn biết nhiệt độ phòng chuẩn làm ơn hãy mua cái nhiệt kế đo, đừng nhìn chỉ số nhiệt độ của điều hòa. Hôm trời nắng chang chang thì 26 độ vẫn nóng, mà hôm trời mưa thì 26 độ đã man mát ren rét rồi.
Và tùy vào nhiệt độ phòng mà quấn bé bao nhiêu vòng, dùng loại vải quấn mùa đông hay mùa hè
TI GIẢ
Mình là 1 giáo viên Mon 0-3, nên đương nhiên mình rất lo lắng khi thấy bất cứ em bé nào nhớn nhớn tí mà vẫn ngậm ti giả khi chơi.
Bởi từ khi bắt đầu phát triển ngôn ngữ thì bé cần có 1 cái miệng tự do, để ê a đáp lại lời mẹ, ê a nói chuyện với đồ vật, đồ chơi, ê a khi đi dạo,….
Nếu trên miệng bé lúc nào cũng có ti giả, bé sẽ có 1 cái miệng xinh bị giam cầm, và ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ, học nói của bé.
Mà các mẹ biết phát triển ngôn ngữ bắt đầu từ lúc nào không? Là từ 0 tháng tuổi 😀
Như vậy nghĩa là, bất kì lúc nào bé thức, bé không nên được ngậm ti giả.
Như vậy Ti giả cũng là 1 công cụ đắc lực cho mẹ trong quá trình dạy bé tự ngủ, dạy bé chuyển giấc. Ti giả giúp trấn an bé để dễ dàng chìm vào hay quay lại giấc ngủ hơn.
🔔 Có 1 lời khuyên là nên dùng ti giả trấn an cho bé lúc bé từ 0-3 tháng tuổi, vì sau 3 tháng thì các bé đã có thể tự đưa tay vào miệng để mút.
Như em bé Nemo mà mình đang chăm sóc đây, thì 2 tháng đã tự bỏ ti giả và nhúi cả nắm tay vào miệng mút chùn chụt rồi 😀
Ngoài ra, ti giả còn có thể dùng để kéo dài thời gian chờ đến bữa ăn tiếp theo, khi mẹ muốn giãn cữ cho bé ăn.Tuy nhiên mình không dùng cách này, khi muốn giãn ăn, mình bế em bé quay ngược về trước, ngắm cây ngắm cối, nói chuyện ba leng nheng, he he
BỈM
Mình hem có ý định review loại bỉm nào. Chỉ note ra 2 cái nhỏ xíu phòng khi có mẹ nào cần:
✅ Lúc các em bé bắt đầu ko ị đêm nữa, thì ngày mẹ dùng bỉm vừa size với em, đêm hãy dùng bỉm tăng lên 1 size (VD ngày size S đêm size M). Như vậy thì em bé có thể tè thoải mái mà ko lo tràn bỉm, đêm không phải thay giữa chừng (được 12 tiếng, trước khi ngủ đêm mẹ hãy bôi lớp kem chống hăm dày hơn bình thường).
✅ Thay bỉm giữa đêm (dù là lúc đó em bé dậy ti hay chuyển giấc) cũng là 1 hoạt động gây kích thích em bé và khiến em khó vào giấc ngủ tiếp theo hơn.
Còn khi em bé vẫn ị đêm thì mẹ nên thay bỉm cho em trước khi cho em ti để em dễ ngủ và không bị trớ nhé
-0 Bình luận-